Bỗng dưng mất đất
Báo NTNN ra ngày 30.10.2014 đăng bài “Buộc dân “bôi trơn” khi làm sổ đỏ”, phản ánh việc ông Võ Công Nhơn có dấu hiệu buộc nhiều hộ dân chung chi tiền và đất khi làm thủ tục cấp sổ đỏ. Ngoài vấn đề báo NTNN phản ánh đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, ông Nhơn còn bị nhiều hộ dân khác ở xã Lộc Sơn tố cáo sai phạm, điển hình là việc gia đình bà Lê Thị Ánh (ngụ thôn Vinh Sơn) tố bị ông Nhơn “cướp đất”.
Sau nhiều năm chờ đợi, vụ việc bỗng dưng mất đất của vợ chồng bà Ánh vẫn chưa được giải quyết. (Ảnh: An Sơn)
Theo đơn tố cáo của vợ chồng bà Ánh, năm 2003, kinh tế khó khăn nên bà và chồng là Trần Duy Địch vào khai hoang để phát triển sản xuất kiếm sống ở khu vực đồi núi gần tỉnh lộ 14 thuộc địa phận thôn. Phải bỏ ra rất nhiều công sức vợ chồng bà mới khai hoang được khoảng 0,8ha đất để trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, sau đó, diện tích đất rừng trên của vợ chồng bà lại rơi vào tay ông Nhơn (lúc đó ông Nhơn đang là Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn).
“Nhiều lần vợ chồng tôi đề nghị chính quyền cấp sổ đỏ diện tích đất rừng này cho mình nhưng không được chấp thuận. Vậy nhưng, năm 2007, cán bộ tài nguyên môi trường huyện lại về đo đạc đất của tôi để cấp sổ đỏ cho ông Nhơn. Không chấp nhận mất đất một cách vô lý, vợ chồng tôi tiếp tục sản xuất trên đất mình khai hoang. Sau khi chúng tôi khai thác rừng keo của mình thì ông Nhơn chỉ đạo công an xã vào đình chỉ”- bà Ánh bức xúc.
Cũng theo bà Ánh, vì quá bất bình trước việc làm của ông Nhơn, vợ chồng bà đã phản ảnh sự việc đến cơ quan chức năng huyện Phú Lộc. Lúc đầu ông Nhơn bảo vợ chồng bà rút đơn nhưng ông bà không chấp thuận. Tiếp đó, ông Nhơn nói với vợ chồng bà Ánh rằng diện tích đất trên ông đã bán cho một người tên Lân, nên vợ chồng bà tranh chấp đất với ông Lân chứ ông Nhơn không liên quan!
Bí thư xã nói gì?
Quan điểm
Diện tích đất trên là phần lớn đất sản xuất mà gia đình tôi có, nên tôi phải đấu tranh đến cùng để lấy lại đất. Mất thửa đất này vợ chồng tôi không biết lấy gì để nuôi 5 đứa con”.
Bà Ánh cho biết, nhiều năm qua, do bị ông Lân ngăn cản việc trồng và khai thác rừng nên hoạt động sản xuất của vợ chồng bà trên đất do mình khai hoang gặp nhiều khó khăn. “Diện tích đất trên là phần lớn đất sản xuất mà gia đình tôi có, nên tôi phải đấu tranh đến cùng để lấy lại đất. Mất thửa đất này vợ chồng tôi không biết lấy gì để nuôi 5 đứa con”- bà Ánh nói.
Từ năm 2010 đến nay, vợ chồng bà Ánh đã nhiều lần gửi đơn thư đến cơ quan chức năng huyện Phú Lộc phản ánh việc làm của ông Nhơn nhưng chưa được giải quyết. “Trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014, tôi được huyện mời về 2 lần để làm việc về những nội dung mình phản ánh. Họ ghi chép rất tỉ mỉ những gì tôi trình bày nhưng đến nay vụ việc vẫn rơi vào im lặng”- bà Ánh kể.
Trao đổi với PV NTNN về những nội dung tố cáo của vợ chồng bà Ánh, ông Võ Công Nhơn nói rằng hiện ông không có liên quan gì đến đất rừng của vợ chồng này. Theo ông Nhơn, việc đất rừng của vợ chồng bà Ánh sau này trở thành đất rừng của ông Lân đã được Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Lộc vào cuộc cách đây 3-4 năm và đã được giải quyết xong.
Tuy nhiên, trong câu trả lời PV của ông Nhơn lại thể hiện rằng diện tích đất rừng trên của vợ chồng bà Ánh từng rơi vào tay ông này: “Rừng của vợ chồng ông Địch làm mô tui không biết, nhưng sau đó là rừng của người khác rồi chứ không còn là rừng của tui nữa”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.