Tiếp xúc cử tri ngành giáo dục: Lo giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên y tế

Thiên Tường Thứ sáu, ngày 29/04/2022 13:19 PM (GMT+7)
Giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới không được hưởng phụ cấp, thiếu giáo viên tư vấn tâm lý, thiếu nhân viên y tế trường học... là các vấn đề được cử tri đưa ra với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Bình luận 0

Sáng 29/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục. Tại hội nghị này, nhiều cử tri đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức dạy học và các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên.

Bài toán thiếu giáo viên

Tại hội nghị, cử tri Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 cho biết, trong bối cảnh hiện nay, dù thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng nhiều học sinh đang phải trải qua các biến cố về tâm lý, gia đình, học tập... Do đó, nhiều em có sự bất ổn định về tâm lý.

Tuy nhiên, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi học đường trong nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các trường chưa có giáo viên đào tạo chuyên nghiệp về tư vấn tâm lý, đa phần chỉ làm công tác kiêm nhiệm nên không thể hỗ trợ hiệu quả học sinh.

Tiếp xúc cử tri ngành giáo dục: Nhiều vấn đề về chế độ, chính sách được đề cập - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục ngày 29/4. Ảnh: H.N

Ông Khoa đề xuất có biên chế giáo viên tư vấn tâm lý trường học để tham mưu cho ban giám hiệu các hoạt động giáo dục sức khỏe, tâm lý cho học sinh và tư vấn tại chỗ đối với các ca nhẹ hoặc chuyển tiếp đến các cơ quan chuyên môn khi cần.

Vấn đề thứ hai, ông Khoa cho biết, thời gian qua có đến 5 nhân viên y tế trường học xin nghỉ việc vì đời sống khó khăn và công việc vất vả. Hiện tại, chính sách đang áp dụng để hỗ trợ cho đội ngũ này rất thấp, trong khi đó, vai trò và khối lượng công việc của họ lại rất cao. 

Do đó, ông Khoa đề xuất cập nhật chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, giúp các trường đảm bảo tuyển được người có chuyên môn và gắn bó lâu dài.

Tiếp xúc cử tri ngành giáo dục: Nhiều vấn đề về chế độ, chính sách được đề cập - Ảnh 2.

Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.N

Ngoài ra, ông Khoa cho biết, trong thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên thực hiện hợp đồng chuyên môn và hợp đồng 68 (hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị trường, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) đang làm việc tại các trường công lập bao gồm lao công, bảo vệ, bảo mẫu, giám thị... chưa được hưởng chính sách hỗ trợ như những người lao động tại các trường ngoài công lập. 

Ông Khoa đề nghị xuất thành phố quan tâm hỗ trợ thêm đối với trường hợp này.

Giáo viên muốn dạy một buổi để đi làm thêm

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) cho biết, hiện nay chỉ có giáo viên khối 3, 4, 5 nhận tiền hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày, trong khi đó giáo viên khối 1, 2 không được nhận hỗ trợ này do triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.

Thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các trường gặp nhiều khó khăn. Số lượng ứng tuyển ít vì tâm lý giáo viên thích dạy 1 buổi hơn 2 buổi/ngày, vì khi dạy 1 buổi, họ có thêm thời gian đi làm thêm để đảm bảo nhu cầu kinh tế. Cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên mới ra trường hiện nay quá thấp nên không đủ sức giữ chân giáo viên trẻ.

Tiếp xúc cử tri ngành giáo dục: Nhiều vấn đề về chế độ, chính sách được đề cập - Ảnh 3.

Đại diện Sở Nội vụ cũng cho biết, cử tri đã đề xuất nhiều vị trí việc làm mới chưa có trong quy định. Ảnh: H.N

Cử tri Khưu Mạnh Hùng - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 thì bày tỏ, quận 12 là địa phương có số lượng người dân nhập cư tăng nhanh nên công tác tuyển sinh đầu cấp luôn gặp khó. Hệ thống trường công lập của quận chịu áp lực lớn về sĩ số, nơi sĩ số trên 50 học sinh/lớp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đến 30%. 

Từ đó, ông Hùng đề nghị UBND TP.HCM sớm có chính sách hỗ trợ học phí học sinh ngoài công lập để tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển, qua đó giảm áp lực cho hệ thống trường công.

Tại quận Phú Nhuận, cử tri đề xuất có quy định về kinh phí chi bồi dưỡng giáo viên để có chứng chỉ theo yêu cầu của các vị trí việc làm ở ngành học, bậc học. Theo lý giải, hiện nay nhiều trường hợp người lao động phải bỏ tiền túi đi học, gây ảnh hưởng tâm lý đội ngũ.

Trả lời những ý kiến của cử tri, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng cho biết, sở sẽ cùng phối hợp với các sở, ngành để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc hoặc đề xuất cấp trên có thẩm quyền xử lý.

Ông Dũng cho biết, sau đại dịch, nhiều vị trí việc làm mới rất bức thiết như nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lí… Trong khi chưa có vị trí việc làm, Sở GD-ĐT cũng đã cùng các sở ngành đang hoàn chỉnh yếu tố pháp lý để tham mưu cho UBND TP.HCM trình HĐND những chế độ chính sách đặc thù để hỗ trợ, giữ chân và thu hút các lực lượng.

Kết luận hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian dịch bệnh gây khó khăn vừa qua. Đồng thời, bà cũng rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác dạy và học tại các trường trên địa bàn TP.HCM.

Đối với các kiến nghị của cử tri, đoàn sẽ tổng hợp, gửi đến UBND TP.HCM, các sở, ngành có liên quan đồng thời, căn cứ các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan này.

Ngoài ra, bà Tuyết nhấn mạnh, Sở GDĐT TP.HCM cần tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, đặc biệt là những nội dung cần có sự hướng dẫn để các đơn vị triển khai thực hiện tốt; đề xuất sở này làm việc với sở ngành liên quan giải quyết các bức xúc tại cơ sở; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù cho giáo viên và cơ sở giáo dục trên thành phố nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND TP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem