Tiết học “Đọc thư viện” kéo trẻ Khmer đến trường

Thuận Hải Thứ tư, ngày 30/09/2015 06:38 AM (GMT+7)
Việc đưa tiết học “Đọc thư viện” vào chương trình giảng dạy chính của một số trường tiểu học ở tỉnh Trà Vinh đã giúp thu hút nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer chăm đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng.
Bình luận 0

Hệ thống thư viện mở xây dựng tại các trường với số đầu sách phong phú, đa dạng cũng giúp việc dạy và học của thầy trò các trường thêm phần thú vị, sinh động.

Học sinh háo hức

Chúng tôi được tham dự tiết học “Đọc thư viện” của thầy trò Trường Tiểu học Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Bên cạnh những kiến thức từ sách giáo khoa, các trò còn được thầy cô hướng dẫn đọc thêm sách tham khảo, truyện tranh… bổ trợ kiến thức cho học sinh sau giờ học chính. Thầy Kiên Vạn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có đến 65% số học sinh là người Khmer, việc động viên, kêu gọi các em đến trường gặp nhiều khó khăn. Từ ngày được Tổ chức Room To Read và Quỹ Monsanto hỗ trợ xây dựng thư viện mở với lượng đầu sách phong phú, đa dạng, đồng thời, đưa tiết “Đọc thư viện” vào chương trình giảng dạy chính, đã giúp thu hút nhiều học sinh chăm chỉ đến trường hơn.

img

Các em học sinh Trường Tiểu học Thuận Hòa trong tiết “Đọc thư viện”.   Ảnh:  T.H

“Hầu hết các em đều rất háo hức với tiết “Đọc thư viện”. Trước đây, ngoài sách giáo khoa (thường là sách cũ do các mạnh thường quân đóng góp, tài trợ) học sinh gần như chẳng có nguồn sách tham khảo nào thêm”- thầy Vạn cho biết.

Ông Huỳnh Tấn Minh – chuyên viên Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết, các thư viện mở đã giúp thay đổi thói quen đọc sách của các em học sinh nhờ không gian thân thiện, các đầu sách phù hợp với lứa tuổi. “Rất nhiều học sinh tiểu học đã cải thiện vốn từ và kỹ năng giao tiếp khi được tiếp xúc với thư viện mới, sức học của các em cũng tiến bộ rõ rệt”-ông Minh nhấn mạnh.

Vẫn lo thiếu sách

Mặc dù đã được hỗ trợ xây dựng thư viện với nhiều đầu sách khác nhau, nỗi lo thiếu sách cho dạy và học con em dân tộc Khmer ở Trà Vinh vẫn chưa vơi, khi số sách viết bằng tiếng Khmer hoặc song ngữ Khmer – Việt hiện rất hiếm.

Thầy giáo Thạch Sô Rin Đi- giáo viên dạy tiếng Khmer của Trường Tiểu học Thuận Hòa cho biết: “Dù là môn học chính nhưng sách và tài liệu phục vụ việc giảng dạy tiếng Khmer của trường chỉ do Phòng Giáo dục huyện cấp. Hơn nữa, các tài liệu, công cụ bổ trợ việc giảng dạy cũng rất hạn chế khiến việc dạy học có phần khô khan, dễ nhàm chán”.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Minh cho rằng, ngành giáo dục tỉnh rất mong muốn tìm thêm nguồn sách bằng tiếng Khmer, phục vụ cho việc dạy và học của thầy trò các trường, tuy nhiên, trên thị trường hiện rất hiếm có nhà xuất bản chịu sản xuất các loại sách này. Trong khi đó, bản thân Sở GĐĐT thì không đủ kinh phí cho việc xuất bản sách.

Quỹ Monsanto hiện đã giúp xây dựng 8 thư viện tại các trường tiểu học và tài trợ cho chương trình đào tạo kỹ năng sống cho nữ sinh gia đình nông dân khắp cả nước. Thời gian tới, tập đoàn này cũng cam kết tiếp tục tài trợ xây thêm 8 thư viện, xuất bản thêm tựa sách, hỗ trợ tài chính và nâng cao kỹ năng sống cho nữ sinh tại các tỉnh vùng sâu và sẽ tìm thêm biện pháp, khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa cũng như sách tham khảo của học sinh dân tộc Khmer.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem