|
Cực bắc của sao Thủy trong một bức ảnh do tàu Messenger chụp từ quỹ đạo của hành tinh. Ảnh: NASA. |
Một phi thuyền Mỹ vừa phát hiện nước ở dạng băng trên sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất trong hệ Mặt Trời.
Nhiệt độ trên bề mặt sao Thủy, hành tinh gần mặt trời nhất, có thể lên tới 427 độ C. Vì thế nhiều người từng nghĩ nước không thể tồn tại trên hành tinh này. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) luôn nghi ngờ nước có thể tồn tại bên dưới bề mặt sao Thủy ở dạng băng.
Mới đây phi thuyền Messenger của NASA đã phát hiện một mỏ băng khổng lồ xung quanh cực bắc của sao Thủy. Nhiều mỏ băng nhỏ hơn phân bố rải rác gần mỏ băng khổng lồ. Thậm chí các nhà khoa học của NASA còn đoán rằng các hợp chất hữu cơ có thể tồn tại trong những mỏ băng đó, Livescience đưa tin.
Nước và chất hữu cơ là những vật chất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của sinh vật. Vì thế sự sống có thể tồn tại trên những hành tinh có nước và chất hữu cơ.
Gregory Neumann, một nhà khoa học tham gia hoạt động phân tích dữ liệu của tàu Messenger, cho biết, trong vài tháng tới Messenger sẽ tới gần cực bắc của sao Thủy, để quan sát kỹ hơn.
Các nhà khoa học cũng tin băng tồn tại ở cực nam của sao Thủy, song quỹ đạo của Messenger không cho phép nó thu thập lượng dữ liệu lớn ở cực nam.
Messenger sẽ bay gần bề mặt sao Thủy hơn trong năm 2014 và 2015 do nhiên liệu cạn dần và lực hút từ sao Thủy, mặt trời. Khi đó các nhà nghiên cứu sẽ có thể quan sát các mỏ băng kỹ hơn và xác định thể tích, khối lượng của chúng.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.