Tiết lộ thông tin của con thế nào sẽ bị phạt?

Tùng Anh Thứ tư, ngày 31/05/2017 15:30 PM (GMT+7)
Đó là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh khi chỉ còn 1 ngày nữa (1.6), Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực.
Bình luận 0

Luật cấm “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên...”. Vậy trong trường hợp bố mẹ công khai bảng điểm, thành tích của con thì sẽ ra sao?

Chị Hà Thị Liên (Cầu Giấy – Hà Nội) bày tỏ: “Đẹp khoe, xấu che”, thường thì bố mẹ chỉ khoe thành tích của con giỏi thế này, thế kia thôi chứ ít khi thấy khoe con học dốt. Như vậy thì chắc chắn chẳng tổn hại gì đến con cả, thế thì có vi phạm không?” – chị Liên thắc mắc.

Dưới góc nhìn khác,  anh Nguyễn Văn Minh (Hoàng Mai – Hà Nội) đặt vấn đề: “Luật quy định trẻ 7 tuổi trở lên thì phải hỏi ý kiến của trẻ khi công khai thông tin, nhưng ai sẽ là người giám sát việc hỏi ý kiến này? Nếu như tôi nói tôi có hỏi ý kiến con rồi và dặn con là nói với cơ quan chức năng là bố đã hỏi ý kiến con để bố... không bị phạt. Chắc chắn con tôi sẽ bảo vệ tôi, như thế thì xử phạt thế nào?”.

Nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng họ còn rất “mông lung” về quy định và chế tài, không biết tiết lộ thông tin đến mức nào thì bị coi là vi phạm? Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm đó thì sẽ bị phạt ra sao?...

img

Một bảng điểm của con mà ông bố vừa đưa lên mạng (Ảnh IT)

Theo luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) tại khoản 11 Điều 6, Luật trẻ em 2016 quy định: “Nghiêm cấm: Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Ông Tú cho rằng: “quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ quyền nhân thân nói chung và quyền nhân thân của trẻ em nói riêng. Quy định này  phù hợp với thực tiễn cuộc sống, khi việc sử dụng hình ảnh trẻ em một cách tùy tiện, sai mục đích đang diễn ra hàng ngày trên internet”.

Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận: “Để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý vi phạm là rất khó. Trừ những vụ việc các chủ thể khác không phải là thành viên trong gia đình trẻ, sử dụng hình ảnh của trẻ khi chưa được sự đồng ý của trẻ và cha, mẹ, người giám hộ của trẻ thì khi bị cha, mẹ, người giám hộ của trẻ tố cáo, yêu cầu dừng việc sử dụng hình ảnh liên quan đến đời tư của trẻ, lúc đó cơ quan chức năng mới có thể nắm bắt để giải quyết”.

Cũng theo ông Tú, hiện Luật Trẻ em 2016 chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm, nhưng cần phải bổ sung làm rõ hơn chế tài tương xứng với hành vi vi phạm điều cấm này, như: phạt tiền; buộc dừng hành vi vi phạm… Đồng thời nếu có thiệt hại phát sinh từ hành vi xâm phạm “thông tin về đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân” của trẻ thì người đại diện theo pháp luật của trẻ có thể yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi vi phạm bồi thường theo quy định của pháp luật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem