Tiết lộ về vụ tai nạn bất ngờ dẫn tới cái chết của Tưởng Giới Thạch
Tiết lộ về vụ tai nạn bất ngờ dẫn tới cái chết của Tưởng Giới Thạch
Hữu Cường
Thứ hai, ngày 08/02/2021 20:30 PM (GMT+7)
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, ngày 10/12/1949, Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu Quốc dân đảng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên máy bay rời “Biệt đô” Thành Đô chạy ra đảo Đài Loan.
Tới Đài Loan, Tưởng Giới Thạch cùng gia đình sống tại Dinh Sĩ Lâm, thành phố Đài Bắc. Thực ra đây là quần thể phủ đệ gia tộc Tưởng bao gồm cả núi Dương Minh và "Dinh Thất Hải" mà Dinh Sĩ Lâm là trung tâm.
Tại đây, có hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, bố trí quân đội đặc biệt tinh nhuệ, trung thành nhất và vòng ngoài có 1 tiểu đoàn Hiến binh phản ứng nhanh.
Sào huyệt này được giữ bí mật tuyệt đối, không hề có tên trong bản đồ bình thường.
Nó nằm dưới lòng đất và trong lòng núi thuộc Biệt khu được đào mấy tuyến địa đạo và hầm trú ẩn rất kiên cố, nên về mặt an toàn có thể coi Biệt khu là "Thành đồng vách sắt" bất khả xâm phạm.
Còn về mặt hào hoa lộng lẫy trong Biệt khu kết hợp với cảnh "Sơn thủy hữu tình" của cả khu vực thì ít nơi sánh kịp. Cuộc sống hằng ngày của Tưởng Giới Thạch và Tưởng gia hoàn toàn cách ly với bên ngoài.
Ngày nào cũng như ngày nào, khi chân trời phía đông vừa hừng sáng Tưởng Giới Thạch lặng lẽ nhỏm dậy, Tưởng rón rén bước vào gian vệ sinh, đánh răng rửa mặt cho tỉnh táo. Ông ta làm như vậy để tránh làm kinh động giấc mộng vàng của "Đệ nhất phu nhân" Tống Mỹ Linh.
Sau đó, theo thói quen, Tưởng Giới Thạch uống 2 cốc nước nóng. Ông ta làm động tác "thái cực quyền", cầu nguyện buổi sáng. Sau đó ông ta viết nhật ký hoặc xem các bản tin nhanh do thư ký riêng mang tới.
Tưởng Giới Thạch có thói quen làm việc ban ngày, nhất là trong buổi sáng, khi tinh thần đang tỉnh táo, minh mẫn nhất. Rất ít khi ông ta làm việc về đêm.
Tháng 7/1969, đó là tháng đầy biến cố với Tưởng Giới Thạch.
Đã thành lệ, mỗi năm cứ tới tháng 7 là vợ chồng Tưởng Giới Thạch lại rời Dinh Sĩ Lâm tới Dinh Dương Minh trong núi để tránh nóng. Nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối cho ông ta, dọc đường cao tốc dẫn tới núi Dương Minh mang tên "Đại lộ Ngưỡng Đức" được bố trí lính Cảnh vệ vũ trang tới tuần tra, canh gác nghiêm ngặt.
Con đường đặc biệt này do chính quyền thành phố Đài Bắc và Cục Quản lý núi Dương Minh, liên kết bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, ngoài thế núi hiểm trở rất khó cải tạo nắn thẳng, hạ thấp độ cao ra, thì đây được coi là tuyến đường cái quan cao cấp nhất phía ngoài thủ phủ Đài Bắc.
Vào một buổi chiều trời quang mây tạnh, khi đoàn xe của Tưởng Giới Thạch nối đuôi nhau lao tới một khúc cua dưới chân đèo trên xa lộ Ngưỡng Đức, tài xế chiếc xe dẫn đường nhìn thấy phía trước có một chiếc xe bus đang dừng bên đường đúng trạm đón trả khách, đã chủ động giảm tốc độ.
Vừa lúc ấy, bỗng có một chiếc xe jeep phóng với tốc độ cực nhanh từ phía sau chiếc xe khách vọt lên, cứ thế lao thẳng tới. Rõ ràng là bị chiếc xe khách che khuất nên tài xế chiếc xe jeep không biết có đoàn xe của Tưởng Giới Thạc đang xuống dốc.
Nhằm tránh đâm trực diện vào chiếc xe jeep, tài xế chiếc xe dẫn đường vội đạp phanh khẩn cấp, khựng lại. Trong chớp mắt, chiếc xe chở Tưởng Giới Thạch tiếp ngay phía sau không kịp phản ứng, đâm sầm vào đuôi chiếc xe dẫn đường.
Theo quán tính, toàn thân Tưởng Giới Thạch lao về phía trước, đập cực mạnh vào tấm phalê dày ngăn cách, phần ngực bị chấn thương rất nặng, cả 2 hàm răng giả bật khỏi miệng. Phu nhân Tống Mỹ Linh ngồi bên trái Tưởng Giới Thạch cũng va mạnh vào tấm phalê ngăn cách.
Bà ta hét lên đau đớn.
Vợ chồng Tưởng Giới Thạch được chở ngay tới bệnh viện cấp cứu. Qua kiểm tra, bác sĩ cho hay phần ngực của Tưởng Giới Thạch bị chấn thương nghiêm trọng nhất, tim có triệu chứng phình to, đây là nguyên nhân dẫn tới sức khỏe của ông ta về sau bị sa sút rất nhiều.
Bước vào thập niên 70, bệnh tình của Tưởng Giới Thạch tăng nặng. Tình trạng sức khỏe của ông ta hiện rõ trên khuôn mặt tiều tụy và hõm mắt trũng sâu. Mọi cử động của Tưởng Giới Thạch cũng ngày càng khó khăn hơn, nhất là cơ tay phải bị teo tới mức cầm bút viết chữ cũng rất khó khăn.
Trong tình trạng như vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, ông ta buộc phải vào Bệnh viện Vinh Dân Đài Bắc điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giữ bí mật tuyệt đối tình trạng "tim đập chân run", Tưởng Giới Thạch vẫn phải miễn cưỡng xuất hiện trước công chúng tới 4 lần.
Ngày 23/11/1974, Tưởng Giới Thạch rời Bệnh viện Vinh Dân quay về tư Dinh Sĩ Lâm để điều trị ngoại trú. Tại đây, Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh cùng nhau mừng lễ Giáng sinh cuối cùng trong đời.
Tháng 3/1975, bất chấp sự phản đối của nhóm bác sĩ điều trị cho Tưởng Giới Thạch, theo mách bảo của bạn bè, Tống Mỹ Linh đã mời một bác sĩ danh tiếng từ Mỹ sang chữa chạy cho chồng, lúc đó sức khỏe của Tưởng Giới Thạch đang leo lét như "ngọn đèn trước gió".
Vị bác sĩ Mỹ này sau khi nghiên cứu bệnh sử và các phiếu kiểm tra bệnh tình của Tưởng Giới Thạch, liền đề nghị tiến hành "phẫu thuật nội soi phổi" cho ông ta.
Chủ trương này vấp phải sự phản đối quyết liệt của tổ bác sĩ điều trị, lý do rất dễ hiểu: Tưởng Giới Thạch đã 89 tuổi, theo kinh nghiệm lâm sàng, không thể chống đỡ nổi bất kỳ cuộc phẫu thuật lớn nhỏ nào, bởi độ rủi ro là cực lớn, không ai dám gánh vác trách nhiệm.
Tưởng phu nhân sau khi nghe trình bày của cả hai bên vẫn chủ trương tiến hành phẫu thuật. Bà ta nói: "Ý kiến do ngài chuyên gia Mỹ nêu ra rất hay, tại sao ta không thử xem. Thôi, cứ quyết định vậy đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm việc này!".
Ca phẫu thuật nội soi có thể được coi là thành công mỹ mãn. Nhưng mọi người chưa kịp vui mừng thì các di chứng hậu phẫu liên tiếp xảy ra. Tưởng Giới Thạch luôn hôn mê bất tỉnh và thân nhiệt tăng lên tới 41oC.
Cả tổ bác sĩ điều trị đều quýnh quáng tìm cách chữa trị nhưng triệu trứng sốt cao vẫn không thuyên giảm, lại thêm đại tiểu tiện ra máu, nguy hiểm hơn nữa là tần suất tim của Tưởng Giới Thạch đột ngột ngừng đập ngày một cao.
Sáng ngày 5/4/1975, bệnh tình của Tưởng nguy kịch hơn. Sang buổi chiều chân tay Tưởng Giới Thạch bắt đầu buồn bực. 20h 55', bác sĩ cho Tưởng uống mấy viên vitamin. Chỉ loáng sau bác sĩ tá hỏa khi nhìn lên màn hình điện tâm đồ thấy một vạch trắng thẳng kéo dài bất tận... Mọi sự cấp cứu đều đã quá muộn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.