Tiêu thụ nông sản mùa Covid: Cán bộ vào zalo, nhiệt tình bán hàng giúp nông dân

Danh Hùng Thứ sáu, ngày 05/11/2021 09:05 AM (GMT+7)
Tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch Covid-19.
Bình luận 0

Vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời kỳ dịch bệnh Covid" nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Lên phương án phù hợp với thực tế

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, hiện nay, trên toàn tỉnh đang có rất nhiều đặc sản nổi tiếng cần tháo gỡ trong khâu tiêu thụ như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá lòng hồ Sông Đà... Đàn gia súc như trâu bò lợn đang có sản lượng rất lớn và chất lượng thịt có chất lượng cao cần được tiêu thụ trên toàn quốc nhưng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19 và đang rất cần các cơ quan trong tỉnh đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản Hòa Bình cho biết, trong thời kỳ dịch, Chi cục đã phối hợp các đơn vị chức năng trong tỉnh, quản lý chặt chẽ thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, hạn chế tối đa hiện tượng ép cân, ép giá; tăng giá đột biến các mặt hàng phụ trợ phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản.

Giúp nông dân xứ Mường  bán nông sản - Ảnh 1.

Để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã mở điểm bán hàng tại TP.Hòa Bình. Ảnh: Hà Hoàng

"Chúng tôi sẽ tập trung thu hoạch nhanh gọn sản phẩm nông sản khi đến thời kỳ thu hái, đủ độ chín để tiêu thụ khi thị trường thuận lợi, giá bán cao. Khuyến cáo các địa phương điều tiết sản lượng thu hoạch để tiêu thụ theo từng trà cho hợp lý".

Ông Nguyễn Hữu Tài

Cùng với đó, nắm bắt kịp thời thông tin về diễn biến của thị trường, có giải pháp kịp thời giúp người dân chủ động tiêu thụ, chế biến nông sản. Lập danh sách và kiểm tra y tế đối với các cơ sở thu mua, đóng gói, sơ chế, bảo quản nông sản trên địa bàn đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân xây lò sấy nhãn, chuối với quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình khi thị trường tiêu thụ bị đình trệ...

Đồng tình với các phương án của ngành nông nghiệp tỉnh, tuy nhiên ông Bùi Văn Mẹo - nông dân xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc) rất băn khoăn khi việc vận chuyển, giao nhận các sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh vẫn rất khó khăn. Ông Mẹo nói: "Điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao bán được hàng, hiện việc đi lại, vận chuyển vẫn còn nhiều điều kiện phức tạp, khó khăn nên dù giá thấp mà được ưu tiên vận chuyển thì chúng tôi vẫn buộc lòng phải bán, gây không ít thiệt thòi cho nông dân. Vì thế, tôi rất mong UBND tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ trực tiếp trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con".

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tài cho hay: Chi cục đã tổng hợp, rà soát các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải để tiến hành trao đổi, ký kết hợp tác vận chuyển tiêu thụ khi có dịch Covid-19 xảy ra; xây dựng phương án hỗ trợ kiểm tra y tế đối với người tham gia bốc xếp, vận tải hàng hóa. Căn cứ các điều kiện thực tế, xây dựng kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ vận chuyển; trong trường hợp cần thiết đối với quá trình vận chuyển quãng đường dài, liên thông nhiều tỉnh (có thể đi qua địa phương vùng dịch) có phương án bố trí đổi lái xe, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn phương tiện chở hàng.

Các đơn vị góp sức

Tham dự diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hương Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, thời gian qua các cấp Hội đã cùng nhau liên kết hỗ trợ "tiêu thụ chéo" nông sản cho nông dân các địa phương, triển khai chương trình phối hợp đã ký kết. Thông qua các Trung tâm Hỗ trợ nông dân của các tỉnh, nông sản từ một số tỉnh, thành phố được vận chuyển về tỉnh và phân phối, tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản an toàn như: Các loại hải sản của tỉnh Quảng Ninh; hành khô của Sóc Trăng, vải thiều Bắc Giang; xoài, mận Sơn La… Tương tự, đối với nông sản của tỉnh, các cấp Hội chủ động khảo sát nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ 1 tháng trước thời điểm thu hoạch, dự tính trước sản lượng, giá cả.

Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm Hỗ trợ nông dân từ Trung ương tới tỉnh cũng lập các nhóm Zalo riêng, có thành viên là Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh và các huyện, thành phố để kịp thời cung cấp thông tin, chỉ đạo các hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả cho nông dân.

Trả lời những thắc mắc của nông dân về việc làm thế nào để đưa được hàng lên các sàn thương mại điện tử, ông Bùi Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh nhấn mạnh: "Chúng tôi đã hướng dẫn các hộ kỹ năng tham gia hoạt động số, đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmar.vn. Phối hợp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mở tài khoản, ví điện tử miễn phí cho các hộ sản xuất nông nghiệp để thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn".

Lãnh đạo Sở NNPTNT đã tiếp thu những ý kiến, đóng góp của các cá nhân, đơn vị tham gia. Sở cũng như các đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh kết nối giao thương để ký kết hợp đồng thương mại, từ đó đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đạt kết quả tốt nhất… 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem