|
Sinh vật cảnh của TP.HCM nói riêng, VN nói chung có tiềm năng lớn để phát triển thành ngành kinh tế mạnh. |
Bên cạnh hoạt động thương mại, công nghiệp và du lịch, sinh vật cảnh (SVC) cũng là một lợi thế có thể phát triển thành ngành kinh tế mạnh của TP.HCM. Thế nhưng, lợi thế đó vẫn chưa được khai thác hết...
Đánh thức tiềm năng
Ông Trương Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, kiêm phó Trưởng ban chỉ đạo nông nghiệp nông thôn TP.HCM cho biết, trước đây, thành phố tổ chức hàng loạt các lễ hội SVC, Festival hoa kiểng…, nhưng chủ yếu để người dân đến tham quan, vui chơi giải trí là chính chứ chưa tính đến việc phát triển thành ngành kinh tế.
Ba khó khăn của việc xuất khẩu SVC: Chưa có thương hiệu do chủ yếu nhập khẩu giống, khi xuất khẩu phải chịu một khoản phí rất lớn về bản quyền giống. Gặp nhiều rào cản kỹ thuật do kỹ thuật trồng và chăm sóc còn hạn chế. Các doanh nghiệp SVC chưa mặn mà với ngành này, chưa hiểu hết luật pháp của các nước có nhu cầu nhập sản phẩm SVC.
Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ lèo tèo một vài loại lan, cá kiểng, bonsai, mai vàng…, trong khi tiềm năng này của thành phố là rất lớn (trên 1.000ha với hơn 10.000 hộ gia đình tham gia hoạt động SVC).
Nhưng trong năm nay, đặc biệt, khi Đài Loan và Thái Lan (có tiềm năng SVC giống Việt Nam) thí điểm "hướng SVC trở thành ngành kinh tế" và đạt được nhiều kết quả khả quan thì hoạt động của ngành SVC Việt Nam bắt đầu chuyển động mạnh.
Làm gì để SVC vươn xa?
Hiện nay, chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 1.000ha trồng hoa, cây cảnh và nuôi cá cảnh, thu hút hơn 10.000 hộ gia đình tham gia; có 143/303 xã, phường, thị trấn có cơ sở sản xuất, kinh doanh SVC. Hàng năm các cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 33 triệu đơn vị hoa tươi, 2 triệu cây kiểng, hàng triệu con cá cảnh… thu về hàng chục triệu USD/năm. Tuy nhiên so với tiềm năng vốn có thì hoạt động kinh tế SVC tại TP.HCM vẫn phát triển chậm, tự phát, phân tán, chưa có quy hoạch, chính sách và bước đi cụ thể…
Theo ông Hoàng, việc cần thiết nhất là xây dựng một thương hiệu SVC, đồng thời vận động, hỗ trợ để nhà vườn và doanh nghiệp cùng thực hiện, cùng quảng bá hình ảnh SVC của VN. Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vẫn cung cấp khá đầy đủ các thông tin về điều kiện, tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu SVC của các nước. Các doanh nghiệp, hiệp hội (đặc biệt là Hội SVC) cần nắm rõ quy định này để trở thành cầu nối cho các nhà vườn trong nước có điều kiện xuất khẩu sản phẩm, từ đó họ mới sản xuất theo quy chuẩn của từng loại SVC phù hợp với yêu cầu từng nước.
"Ngoài ra, nhất thiết phải có một đội ngũ nghệ nhân, nhà vườn giỏi nghề. Muốn vậy phải tổ chức nhiều lớp (20-30 lớp/năm) hướng dẫn, tổ chức tham quan những mô hình SVC triển vọng. Vốn, kỹ thuật sản xuất cũng phải được chính quyền thông qua các tổ chức khoa học, tín dụng... hỗ trợ cho nhà vườn đê phát triển vùng chuyên canh SVC" - ông Hoàng nêu ý kiến.
Việt Nam mỗi năm nhập của Thái Lan trên 23 triệu cành lan cắt cành, gần 4 triệu chậu lan và hàng triệu cây giống khác... Số tiền nhập khẩu này nếu trở thành thu từ xuất khẩu thì có lợi cho nông dân biết chừng nào.
Huỳnh Văn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.