Đối mặt nhiều thách thức
Tại diễn đàn (do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ tổ chức),nhiều vấn đề được các nhà khoa học và bà con nông dân đưa ra trao đổi như: Một số tiến bộ chế biến gỗ và nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ; Tạo mối liên kết phát triển trồng rừng nguyên liệu chế biến giấy, gỗ nhân tạo bền vững vùng miền núi phía Bắc; Thực trạng, giải pháp bảo vệ và phát triển lâm nghiệp, phát triển các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp; Sản xuất và chế biến giấy từ nguyên liệu rừng trồng; Cơ chế thu mua nguyên liệu giấy tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam; Các tiến bộ kỹ thuật mới về giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu...
|
Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất giấy tại Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng. |
Các ý kiến đều cho rằng, với những lợi thế từ rừng, hơn một thập kỷ qua, công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng cơ sở chế biến, quy mô doanh nghiệp chế biến, khối lượng sản phẩm chế biến cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phát triển chưa cân đối, như việc phát triển quá nhanh của chế biến và xuất khẩu dăm gỗ, đồ gỗ nội thất… khiến giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến chưa cao. Các doanh nghiệp thiếu sự liên kết nên tạo ra những khó khăn nhất định trong việc xây dựng thương hiệu gỗ Việt.
Về phía người trồng rừng, mấy năm gần đây, giá bán các loại gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng đã mang lại thu nhập khá tốt. Giá gỗ bạch đàn, keo lai nguyên liệu cao do xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh, hiện đang ở mức cao hơn 200.000 - 300.000 đồng/tấn so với cuối năm ngoái, nên nhiều chủ rừng đang tăng cường khai thác rừng trồng 5-7 năm tuổi để tranh thủ bán cho được giá. Ông Vũ Bá Thắng- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng cho rằng: Mặc dù xuất khẩu dăm gỗ giúp người trồng rừng bán được giá cao nhưng vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô, trong khi đó các doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ từ rừng trồng trong nước hiện nay không đủ phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Các nhà máy giấy phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu gỗ, dăm gỗ để sản xuất bột giấy do hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh. Theo tính toán, ngành giấy cần khoảng 822.000 tấn bột giấy nguyên liệu để sản xuất, trong đó có trên 50 nhà máy sản xuất bột giấy với lượng sản xuất khoảng 480.000 tấn bột giấy/năm, còn lại là phải nhập khẩu.
Cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Theo ông Phan Huy Thông, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu cho bà con; chính sách vay vốn để bà con gắn bó với nghề rừng.
TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Trong thâm canh rừng trồng, cây giống phải được xem là tiền đề quyết định đến năng suất, chất lượng gỗ. Người trồng rừng cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, chăm sóc, bón phân, quản lý, bảo vệ rừng đến khi thu hoạch.
Để có một vùng sản xuất tập trung, lâu dài, bền vững thì việc liên kết giữa các hộ nông dân với nhau là con đường tốt nhất, nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí, hình thành đầu mối tiêu thụ với các nhà máy để đảm bảo quyền lợi ở mức cao nhất. Từ đó, có phương thức nâng cao mức đầu tư ban đầu cho các hộ để đảm bảo lợi ích kinh tế và thu hút hơn nữa sự tham gia của họ trong trồng rừng nguyên liệu giấy.
Ông Thông cũng cho rằng, cơ chế chính sách đối với vấn đề rừng không chỉ có ý nghĩa về giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về xã hội rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Về công tác khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tích cực hỗ trợ tuyên truyền để bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua các hội nghị, diễn đàn, lớp tập huấn; cung cấp tài liệu kỹ thuật miễn phí; hỗ trợ kinh phí để bà con đi học nghề về kỹ thuật trồng rừng, khai thác, chế biến; hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật khi xây dựng mô hình điểm tại một số địa phương, nhất là những vùng chưa có dự án trồng rừng thâm canh để bà con ở nơi khác đến học tập.
Minh Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.