Mất đa số trong Hạ viện, giảm mức độ đa số trong Thượng viện và tương quan lực lượng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà về phương diện Thống đốc bang cũng thay đổi theo hướng có lợi cho Đảng Cộng hoà hơn.
Dư luận Mỹ đã đề cập đến “thất bại lịch sử” của Đảng Dân chủ, có thể chưa đến mức kỷ lục như cách đây 80 năm, nhưng chắc chắn ngang tầm với thất bại của Đảng Dân chủ năm 1994.
Đảng thì chung chung, cá nhân lại cụ thể. Cho nên kết quả cuộc bầu cử này được coi là thất bại cay đắng của cá nhân đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nó là sự phán xét của cử tri Mỹ về phương cách cầm quyền của ông Obama trong nửa nhiệm kỳ đầu.
Những thay đổi quyền lực ở lưỡng viện Quốc hội và ở các bang sẽ buộc ông Obama phải thay đổi cả định hướng và ưu tiên chính sách lẫn phương cách cầm quyền nếu như muốn duy trì khả năng và cơ hội tái cử vào năm 2012.
Cái may mà ông Obama phải tìm thấy và tận dụng trong thảm hoạ bầu cử này là ở nước Mỹ bầu cử Quốc hội khác so với bầu cử tổng thống. Ông Obama còn thời gian để lưu tâm thoả đáng đến những bài học từ thất bại này mà xoay chuyển tình thế.
Nước Mỹ vốn có truyền thống là đảng cầm quyền thường bị thất cử ở các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cử tri vốn ủng hộ Đảng Dân chủ thất vọng đã không đi bỏ phiếu trong khi Đảng Cộng hoà lại rất thành công trong việc vận động cử tri truyền thống của đảng tham gia bầu cử.
Thực trạng kinh tế đất nước lại luôn đóng vai trò rất quyết định ở mọi cuộc bầu cử ở nước Mỹ. Cho nên, nếu trong nửa cuối còn lại của nhiệm kỳ cầm quyền mà ông Obama thay đổi được thực trạng hiện tại ở cả hai khía cạnh ấy thì sẽ có thể chuyển hoạ thành may.
Huệ Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.