Rất ít hài cốt được xét nghiệm ADN
Liên quan đến vấn đề tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm, nhiều quan điểm cho rằng, việc không có đủ chứng cứ xác thực, liệu ai dám khẳng định 100% hài cốt tìm thấy là của người thân, là liệt sĩ thật.
Trường hợp bốc nhầm hài cốt của lính phía bên kia chiến tuyến thì liệu có xứng đáng được nằm nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ, nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc hay không?
|
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Lâm (Hà Nội) ngày càng có nhiều hài cốt được tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm. |
Từ những câu hỏi này, tháng 6.2011, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đã xây dựng đề án tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và thực hiện thí điểm giám định ADN. Cục cũng đã chuẩn bị ký với một đơn vị chuyên môn làm giám định với mức trung bình khoảng 8 - 9 triệu đồng.
Hiện cả nước còn 548.000 liệt sĩ vô danh và chưa quy tập được. Việc giám định được thực hiện khi hài cốt tìm được (bằng ngoại cảm) hoặc hài cốt mới cất bốc nhưng không rõ danh tính. Thời gian đầu, đề án sẽ thí điểm thực hiện tại Nghệ An (nơi có 18.672 mộ liệt sĩ) và Tây Ninh (có 20.087 mộ), sau đó (năm 2018) sẽ xây dựng trung tâm giám định ADN liệt sĩ và thực hiện trên toàn quốc.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Hồng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết, việc giám định ADN cho dù được nhà nước hỗ trợ nhưng cần có sự tự nguyện của thân nhân gia đình liệt sĩ.
Ông Sơn nói: “Hiện nhiều gia đình còn phân vân, nếu không phải là liệt sĩ mà chỉ là hài cốt của một người khác khi xét nghiệm xong sẽ làm thế nào với hài cốt đã bốc lên trước đó, hầu hết các trường hợp tìm thấy bằng ngoại cảm là không đi giám định”.
TS Nguyễn Chu Phác – Trưởng Bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm Tiềm năng con người) cho biết, từ năm 1990 đến nay, trung tâm đã tìm kiếm được khoảng 20.000 hài cốt liệt sĩ nhưng số người đi giám định ADN là rất ít. Một phần họ tâm niệm lấy xương ra sợ đau, một phần nhỏ lo về chi phí hoặc đã tin tưởng vào những di vật nên không làm.
Sau nhiều ngày tìm kiếm hài cốt người thân ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế, nhưng không có kết quả, ông Trần Cung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thở dài mệt mỏi: “Bỏ công việc, tiền của đi theo nhà ngoại cảm tìm kiếm cả tháng trời để rồi tiền mất tật mang”.
Khi được hỏi về việc Bộ LĐTBXH sẽ không công nhận kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ qua nhà ngoại cảm, và sẽ hỗ trợ để thử ADN để công nhận là hài cốt liệt sĩ với các trường hợp nhà ngoại cảm tìm ra, ông Cung cho biết: “Tôi rất hoan nghênh chủ trương này. Giải pháp này sẽ giúp chúng tôi tìm đúng hài cốt người thân và chấm dứt tình trạng các gia đình thân nhân liệt sĩ phải bốc và thờ nhầm hài cốt như đã và đang diễn ra, đồng thời, sẽ góp phần loại trừ những nhà ngoại cảm rởm”.
Tuy nhiên, ông Cung phân vân việc thủ tục để được xét nghiệm ADN có đơn giản hay không, thời gian xét nghiệm là bao lâu…
Mong cơ chế hỗ trợ
Gia đình ông Đỗ Văn Thốn ở số 118, khu Phương Lưu 6, thuộc phường Đông Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng có bố vợ là cụ Nguyễn Văn Tư, hy sinh năm 1952 trong một trận đánh công đồn tại trạm đồn bốt ở xã Cao Minh thuộc tỉnh Kiến An. Do bị địch bắn chết và vứt xác trôi sông nên hài cốt đã bị thất lạc. Năm 2006 gia đình mới bắt đầu tìm kiếm.
|
Ông Đỗ Văn Thốn- Hải Phòng chia sẻ câu chuyện tìm mộ người thân. |
Ông Thốn nói: “Phải mất gần 2 năm, qua 4 nhà ngoại cảm, chúng tôi mới xác định được nơi có hài cốt của cụ. Thời điểm đó mà có giám định AND thì việc tìm kiếm chắc chắn sẽ nhanh hơn”.
Huyện Thủy Nguyên là nơi có nhiều thi hài liệt sĩ được tìm đưa về quê bằng con đường ngoại cảm nhất Hải Phòng. Theo ông Nguyễn Văn Phước - cán bộ Phòng LĐTBXH huyện này đã quy tụ được 1.400/5.000 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang địa phương. Số còn lại địa phương và các gia đình thân nhân vẫn chưa có điều kiện đi tìm, di chuyển về được.
Theo ông Phước, thân nhân của các liệt sĩ tại địa phương chủ yếu đi tìm theo nguyện vọng và nhờ nhà ngoại cảm Lê Văn Hùng (Vĩnh Bảo), Nguyễn Duy Niên (Hải Dương) và Văn phòng tướng quân ở Quán Toan. Còn về việc Nhà nước hỗ trợ tiền xét nghiệm ADN hài cốt các liệt sĩ sẽ rất tốt bởi địa phương còn rất nhiều hộ gia đình chính sách kinh tế còn khó khăn.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Huy - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH TP.Hải Phòng cho biết: Từ năm 2007 đến nay, Hải Phòng đã quy tập được 1.875 mộ liệt sĩ đưa về các địa phương. Mặc dù chưa có thống kê nhưng thực tế tới phân nửa các trường hợp đi tìm đều theo con đường ngoại cảm, nhiều nhất là huyện Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo.
“Đây là vấn đề tâm linh tế nhị, Nhà nước không cấm cũng như không khuyến khích”- ông Huy nói. Theo quan điểm của ông Huy, đi tìm mộ liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm rất mông lung. Gia đình khi đi không có tính toán, khi mang về không có cơ sở khoa học, có thể lấy nhầm mộ liệt sĩ khác bởi thi hài các liệt sĩ nằm ở các khe suối, rừng núi hoặc nằm gần nhau là rất nhiều.
Hiện Hải Phòng còn khoảng gần 15.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tụ về. Điều đó có nghĩa là việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đưa về quê hương vẫn còn là một câu chuyện dài…
Ông Nguyễn Trọng Tý (xóm Tây, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng):
Nhà tôi cũng đang chuẩn bị đi tìm hài cốt người thân cũng bằng ngoại cảm. Nếu được Nhà nước hỗ trợ xét nghiệm ADN thì gia đình yên tâm và vơi bớt phần nào vất vả. Theo tôi, việc kiểm tra ADN nhằm thống nhất việc quản lý tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, an táng vào nghĩa trang cũng như chế độ chính sách tìm kiếm theo phương pháp tâm linh là việc làm thực sự cần thiết và có ý nghĩa.
Bà Vũ Thị Nguồn là vợ liệt sĩ Bùi Văn Hướng (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương):
Gia đình chúng tôi đã đi khắp nơi, tìm rất nhiều nhà ngoại cảm khác nhau, trong đó có cả bà Bích Hằng và mới đây thấy nhiều người sang nhờ cậy một nhà ngoại cảm ở huyện Gia Lộc nhưng chẳng có kết quả. Tìm kiếm hài cốt của chồng là tâm nguyện cả đời tôi. Tôi chỉ mong được chỉ đường dẫn lối tìm thấy hài cốt rồi xét nghiệm.
Anh Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội)
Bố tôi hy sinh năm 1968, không tìm thấy mộ. Lúc đầu thấy nhiều người tìm được hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm, tôi cũng tìm tới vài trung tâm ngoại cảm nhưng cũng chẳng thấy có kết quả. Giờ thì gia đình cũng nghĩ thoáng hơn, bố tôi đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc thì dù ở bất cứ đâu trên mảnh đất này cũng vẫn là quê hương. Tôi nghĩ thực tế, giờ vào tới chiến trường cũng chỉ mang về nắm đất, cho dù còn hài cốt thật cũng chưa thấy có ai dám đi giám định ADN. Trường hợp không phải người thân nhà mình, hài cốt đã đào lên sẽ giải quyết ra sao?
Thanh Xuân - Trần Phượng(ghi)
Thanh Xuân - An Sơn - Trần Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.