“Tìm tên” cho 500 liệt sĩ

Tùng Anh Thứ tư, ngày 23/07/2014 08:15 AM (GMT+7)
Ngày 22.7, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) tổ chức họp báo công bố các vấn đề pháp lý liên quan tới tìm mộ liệt sĩ và thông tin về 500 liệt sĩ cho các gia đình.  Rất nhiều gia đình liệt sĩ đã tìm tới đây với niềm hy vọng, mong chờ trong nước mắt.
Bình luận 0

Câu chuyện tại đây nhắc nhớ, chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng hiện vẫn còn 30% số liệt sĩ không có phần mộ, 30% khác có mộ nhưng chưa biết tên. Trong khi đó, có hàng nghìn gia đình liệt sĩ vẫn cố sống từng ngày để chờ đợi thông tin về hài cốt con em mình...

Sai một li… chờ một đời

Ông Nguyễn Xuân Liên (Hoài Đức, Hà Nội) nguyên là cán bộ quân y tham gia chiến trường Bình Trị Thiên những năm 1960 đã từng bỏ hơn 10 năm đi khắp các chiến trường Nam – Bắc để tìm hài cốt người em trai là liệt sĩ Nguyễn Xuân Cảnh. Ông Liên cho biết, sau khi được tỉnh Tây Ninh thông báo đã tìm được mộ em trai trong nghĩa trang Tây Ninh, ông đã cùng mẹ vượt hàng trăm cây số vào nhận mộ em.

“Nhưng đến 10 năm sau gia đình tôi mới phát hiện ngôi mộ ấy không phải là mộ của em trai tôi mà là mộ của một liệt sĩ khác cũng tên Cảnh. Gia đình vô cùng đau đớn, mẹ tôi đã đi khắp nơi, lên cả Cục Chính sách của Tổng cục Chính trị để nhờ tìm mộ em trai. Mãi sau khi mẹ tôi mất (96 tuổi), gia đình tôi mới tìm được hài cốt thực sự của em mình”- ông Liên nói.

Cũng từ nỗi đau của gia đình mình, gần 10 năm qua ông Liên đã bỏ công sức để đến rất nhiều nghĩa trang, chụp ảnh, ghi lại tên tuổi và lập thành một danh sách mộ liệt sĩ, phân chia các ngôi mộ theo từng tỉnh, thành phố, theo vần... Theo nguồn tư liệu của ông, đã có 300 gia đình liệt sĩ nhận được phần mộ của người thân mình.

Một trường hợp khác, mộ của liệt sĩ Bùi Khắc Khởi (quê xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) năm 2008 đã được nhà ngoại cảm giúp tìm thấy tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, cháu của liệt sĩ này là Bùi Khắc Chiến lại nhận được thông tin ông mình đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ngôi mộ này sau đó đã được Trung tâm MARIN xác nhận là đúng bằng phương pháp tra cứu hồ sơ pháp lý, dữ liệu từ đồng đội của liệt sĩ Khởi.

Tương tự, liệt sĩ Lương Văn Đình quê ở xã Kỳ Văn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hy sinh năm 1967, cũng được gia đình đi khắp các chiến trường miền Nam để tìm mộ theo giấy báo tử nhưng không thành. Mãi đến năm 2007, mộ liệt sĩ này mới được xác nhận không ở đâu xa mà chỉ cách nhà 100km, tại nghĩa trang Ba Dốc.

500 liệt sĩ sẽ “có tên”

Đó chỉ là 3 trong hàng ngàn trường hợp các liệt sĩ bị nhận nhầm do khuyết thiếu thông tin, sai lệch thông tin về nguyên quán, đơn vị, ngày sinh… trên bia mộ và các hồ sơ lưu trữ. Bà Ngô Thị Thúy Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm MARIN cho rằng: “Trong 10 năm hoạt động, trung tâm đã báo tin về phần mộ còn thiếu thông tin đến rất nhiều gia đình liệt sĩ nhưng phần lớn các gia đình đều không thể nhận được phần mộ vì không đủ căn cứ pháp lý để điều chỉnh, bổ sung thông tin”.



Bà Ngô Thị Thúy Hằng
 
Nghị quyết 150 của Chính phủ về Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu đang được triển khai rộng. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, hiện còn rất nhiều mẹ liệt sĩ gần trăm tuổi vẫn chờ từng ngày tin hài cốt của con mình để yên tâm nhắm mắt. Việc “tìm tên” cho các anh là một việc làm nhân văn, cần sự giúp sức của toàn xã hội. Chúng tôi chỉ mong được tạo điều kiện để góp sức mình”. 
   
Đó cũng là lý do mà dự án Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang được ra đời. Dự án này dự kiến trong vòng 2 năm (từ ngày 1.8.2014 đến 30.7.2016) sẽ trợ giúp pháp lý để 500 thân nhân liệt sĩ có cơ hội nhận lại chính xác phần mộ của người thân đã hy sinh trong chiến tranh. Việc trợ giúp sẽ được thực hiện theo quy trình: Khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và thực địa, thay mặt thân nhân liệt sĩ kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang.

 

Bà Hằng cho biết, từ tháng 10.2013, trung tâm đã thí điểm tìm kiếm ở quy mô nhỏ tại Quảng Trị và Tây Ninh, qua đó đã xác minh, điều chỉnh được 34 phần mộ liệt sĩ giúp các thân nhân. Cũng theo bà Hằng, hiện nay trung tâm đang lưu trữ hồ sơ của 900.000 phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang: “Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại 5 tỉnh, thu thập căn cứ hình ảnh bia mộ, phân tích thông tin thực địa, thông tin từ gia đình liệt sĩ, đối chiếu tài liệu từ cơ quan quân đội để khớp nối các dữ liệu còn thiếu về 500 liệt sĩ dự kiến tìm kiếm”.

Tuy nhiên, các cán bộ ở Trung tâm MARIN cũng bày tỏ, để hoàn thành mục tiêu 500 phần mộ được bổ sung danh tính sẽ là một chặng đường hết sức khó khăn bởi chưa nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng có liên quan. Để hỗ trợ các gia đình tìm được 34 phần mộ, Trung tâm đã phải làm gần 70 công văn, hồ sơ đề nghị được giúp đỡ từ các ban ngành và không phải lúc nào cũng được trợ giúp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem