Hóa thạch não khủng long 133 triệu năm tuổi được tìm thấy ở East Sussex, Anh năm 2004. Ảnh: Jamie Hiscocks.
David Norman, nhà cổ sinh vật học tại trường Đại học Cambridge, Anh, công bố nghiên cứu về hóa thạch mô não khủng long 133 triệu năm tuổi đầu tiên trên thế giới trên tạp chí Geological Society of London hôm 27.10, theo New York Times.
Hóa thạch trông giống một viên đá được một người săn hóa thạch nghiệp dư ở East Sussex, Anh tìm thấy năm 2004. Sử dụng kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu tới từ Anh và Australia phát hiện hóa thạch chứa các mạch máu, mao mạch, mô từ vỏ não và màng não, lớp màng giúp giữ não ở đúng vị trí.
"Điều khác thường ở hóa thạch này đó là sự bảo quản nguyên vẹn của các mô mềm rất yếu ớt. Không phải tất cả bộ não, chỉ các mô mềm mà bạn không ngờ tới được bảo quản", tiến sỹ Norman cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn đầu kỷ Phấn trắng, một con khủng long ăn cỏ lớn, tương tự như loài khủng long Iguanodon, rơi xuống vũng lầy hoặc đầm lầy cạn. Tại đây, đầu của nó nhanh chóng bị chôn vùi dưới lớp trầm tích.
"Một phần bộ não có thể bị ngập trong vũng nước axit ứ đọng nên các khoáng chất bắt đầu thay thế mô mềm trong hộp sọ, bảo quản nó qua hàng triệu năm", tiến sỹ Norman nói.
Các nhà khoa học từ lâu đưa ra kết luận khủng long có não và não của chúng nhiều khả năng tương tự với não của loài cá sấu và chim. Theo tiến sỹ Norman, phát hiện này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học cẩn thận hơn trong khi nghiên cứu hóa thạch bởi chúng có thể chứa nhiều điều bất ngờ trong đó.
Hiền Anh (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.