Mấy ngày qua, nhiều người dân các tỉnh miền Trung khá bất ngờ khi thấy các đại lý thi nhau gom muối, cả muối i-ốt lẫn muối hạt bình thường. Các bà nội trợ cũng vội vàng “tích trữ” muối, ít thì dăm bảy ký, nhiều thì cả tạ!
Đồng muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - nơi được xem như vựa muối của miền Trung, từ 2 năm nay, trên 4.000 tấn muối hạt không biết trút đi đâu nên đành phủ bạt chờ thời, thế nhưng chỉ trong hai ngày từ 12, 13.4 vừa qua, xe tải của tư thương tới tấp ghé vào mua muối. Trên 1.000 tấn muối tồn đọng hơn năm nay bỗng chốc ... trôi vèo.
Vì sao có chuyện lạ này? Vì có tin đồn: Nhật Bản đã thải chất phóng xạ ra biển, thế nào cũng “chảy” tới vùng biển Việt Nam nên cần tích trữ muối để ăn dần, tránh nhiễm xạ. Riêng loại muối có hàm lượng i-ốt, khi ăn vào sẽ đề kháng được với chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân của Nhật vừa bị hỏng (?!).
Một đồn mười, mười đồn trăm... cứ thế, những thông tin không chính thức ấy đã lan đi khắp nơi, còn nhanh hơn những đám mây phóng xạ, khiến người dân miền Trung nháo nhào cả lên.
Xét dưới góc độ tích cực thì tin đồn trên ít nhiều đã “giải phóng” được hàng chục nghìn tấn muối tồn đọng của diêm dân miền Trung từ 2 năm qua mà không biết đổ đi đâu. Giá muối cũng được tăng lên 800 đồng/kg (tăng 300-400 đồng/kg) khiến diêm dân có điều kiện để đầu tư lại trên các cánh đồng muối, vốn bị “đóng băng” từ 2 vụ muối qua.
Tuy nhiên, lợi thì có lợi đấy, song tác hại của tin đồn cũng rất khó lường. Người dân đang trong thời điểm rất hoang mang trước giá cả tăng vọt, giờ đến hạt muối cũng “vọt” theo thì nỗi lo cũng theo đó mà nhân lên; thứ hai, các tay đầu nậu nhân tiện “đục nước béo cò”, đầu cơ muối để ép người tiêu dùng.
Cách đây không lâu, tại Nghệ An, người dân cũng thi nhau vác can nhựa, thậm chí cả thùng phuy nữa để đến các cửa hàng bán xăng dầu mua về tích trữ vì có tin đồn xăng dầu sắp tăng giá mà nguồn cung đã hết do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất “đóng cửa”! Đúng là Nhà máy lọc dầu có tạm dừng để sửa chữa nhưng không phải vì sự việc đó dẫn đến xăng dầu tăng giá!
Chuyện đồn thổi là một phần tất yếu trong đời sống của con người. Tuy nhiên, nghe để mà biết thì không có gì phải nói, nhưng nghe để làm theo lời đồn thì thật tai hại. Cha ông ta ngày xưa không có các phương tiện truyền thông hiện đại nên mới tin vào những lời đồn, còn bây giờ, chỉ cần “nhấp chuột” máy tính để xem báo mạng hoặc bật tivi xem thời sự là có thể “nghiệm thu” ngay tin đồn kia là có cơ sở hay là vu vơ. Vậy thì hà cớ gì mà tin vào những lời đồn thiếu cơ sở khoa học cũng như độ tin cậy của nó?
Hà Nhiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.