Tín dụng chính sách trợ lực 21 triệu hộ sớm thoát cảnh khó khăn

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 20/08/2024 19:00 PM (GMT+7)
Tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Trong 10 năm qua, chính sách này đã giúp 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bình luận 0

Giúp đỡ nhóm yếu thế

Tín dụng chính sách xã hội từ lâu đã được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển kinh tế không ngừng thay đổi và ngày càng nhiều thách thức mới, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội trở nên vô cùng cần thiết. 

Tín dụng chính sách xã hội chính là một công cụ hiệu quả để thực hiện điều này, góp phần quan trọng trong việc xoá nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo rằng mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển của đất nước.

Tín dụng chính sách trợ lực 21 triệu hộ sớm thoát cảnh khó khăn - Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tổ chức ngày 14/8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Nguyễn Thị Hồng đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.Trong suốt 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng triệu người dân vượt qua khó khăn, tạo ra hàng chục triệu việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch và vệ sinh môi trường cho vùng nông thôn, hỗ trợ học sinh sinh viên trong việc trang trải chi phí học tập, và nhiều chương trình khác nhằm cải thiện đời sống của những người yếu thế trong xã hội.

Trong 10 năm qua, cả nuớc đã huy động được hơn 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40, bình quân tăng trưởng nguồn vốn đạt 10,8%/năm.

Tín dụng chính sách trợ lực 21 triệu hộ sớm thoát cảnh khó khăn - Ảnh 2.

Cán bộ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Ninh giải ngânvốn cho vay giải quyết việc làm tại xã Bằng Cả (TP.Hạ Long). Ảnh:Nguyên Ngọc

Tín dụng chính sách tiếp tục là "điểm sáng", "trụ cột"

Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, trong đó, đã tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19...

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nhấn mạnh phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả", Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là "điểm sáng", "trụ cột" trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Chủ động báo cáo, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nghèo, đối tượng CSXH và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới. Đồng thời, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng CSXH.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn kết có hiệu quả tín dụng CSXH với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem