Nhà nuôi ốc đặc sản, hộ nuôi bò, nông dân Đắk Lắk thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH
Nhà nuôi ốc đặc sản, hộ nuôi bò, nông dân Đắk Lắk thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
Đức Thịnh
Thứ ba, ngày 26/03/2024 08:30 AM (GMT+7)
Từ vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nông dân tỉnh Đắk Lắk đã có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi bò sinh sản...
Thêm thu nhập từ mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi bò sinh sản
Anh Nguyễn Văn Mười (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Bình cho biết: Cuộc sống của gia đình anh trước đây còn nhiều khó khăn khi chỉ trông chờ vào thu nhập của 5 sào cà phê già cỗi và 5 sào lúa. Tháng 6/2022, được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo, anh đã tái canh vườn cà phê và chuyển đổi ruộng lúa sang nuôi ốc bươu đen.
Theo đó, anh đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua 3 vạn con giống bươu đen và cải tạo hơn 1 sào đất trồng lúa thành hồ nuôi ốc. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân và Ngân hàng CSXH phối hợp tổ chức nên việc nuôi ốc của gia đình anh rất thuận lợi. Năm vừa qua, anh thu được trên 1 tấn ốc/năm, bán với giá 70.000 đồng/kg.
Anh Mười chia sẻ: "Đầu ra của ốc bươu đen rất ổn định, hiện khách lẻ và các quán ăn tại thị trấn Buôn Trấp đặt mua liên tục, có thời điểm bị "cháy" hàng. Bởi vậy, gia đình tôi dự định mở rộng thêm diện tích ao hồ để nuôi số lượng nhiều và cung cấp con giống cho bà con có nhu cầu. Năm 2024 này, tôi rất mong Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay thêm vốn để tôi nhân rộng, phát triển mô hình".
Cũng được vay vốn Ngân hàng CSXH, chị Nguyễn Thị Thu ở thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Chị Thu cho biết: Năm 2021, nắm được thông tin gia đình thuộc đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, gia đình chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua bò về chăn nuôi. Cộng với số tiền tích cóp, gia đình anh chị mua 3 con bò, làm chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi sinh sản. Nhờ chăm sóc chu đáo nên đàn bò sinh trưởng khỏe mạnh, chỉ thời gian ngắn sau đã sinh được 2 con bê. Khi bê lớn lên, gia đình chị bán lấy tiền để xoay vòng vốn, còn 3 con bò mẹ để lại để tiếp tục gây đàn.
Chị Thu phấn khởi: "Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi, thời gian vay lại hợp lý nên giờ đây kinh tế gia đình cũng đã ổn dần lên. Mặc dù bò không còn được giá cao như trước, nhưng tận dụng được phế phẩm để làm phân bón cho vườn cây, công chăm sóc cũng không vất vả lắm nên tôi có thời gian để làm các công việc khác, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình".
Ưu tiên vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số
Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 7.356 tỷ đồng, với 168.816 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được kiểm soát hiệu quả, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (dưới 0,2%); có 14/15 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm so với cuối năm 2022, 106/184 xã không có nợ quá hạn. Công tác kiểm tra, giám sát các cấp; các hội đoàn thể và kiểm tra, giám sát chuyên để được thực hiện bảo đảm 100% kế hoạch.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ gần 2.728 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh.
Theo ông Đào Thái Hòa - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH còn thấp nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn vay cho người dân vay tại một số địa phương. Hiện tại nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH mới chỉ chiếm tỷ trọng 5,8%, trong khi khu vực Tây Nguyên là 7,5% và toàn quốc chiếm 12%...
Do đó, năm 2024, Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tham mưu cho các sở, ban, ngành, địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch, chỉ thị của Trung ương và địa phương, nhất là việc bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình được giao, ưu tiên đối tượng hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS, phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 8% trở lên. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.