Tiền phần lớn đi vay, hơn nửa doanh nghiệp lãi bằng 0
Nhận định này của Phó Thủ tướng nêu lên trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, chuyên đề Thị trường vốn – tài chính diễn ra sáng nay 21/8.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động, quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ, Chính phủ đang nỗ lực tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Bằng chứng là quyết định cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.
Tuy nhiên, ông lại lo lắng về sức khỏe của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Phó Thủ tướng dẫn số liệu cho thấy, có đến 53% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận.
Phó Thủ tướng đặt ra câu hỏi, vì sao hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan, phải chăng bên cạnh các lý do khác còn do tình trạng vốn mỏng?
Điều này theo Phó Thủ tướng tức là nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt.
Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cũng cho rằng ngay cả các ngân hàng, hiện nay vốn chủ sở hữu cũng vẫn còn hạn chế.
“Gánh nặng của huy động vốn của ngân hàng phải chăng đang quá sức?”Phó Thủ tướng tiếp tục đặt ra nghi vấn.
Có tới 53% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận là tình trạng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cảnh báo.
Khó tiếp cận vốn, doanh nghiệp lụy “tín dụng đen”
Nói về thực tế doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt thừa nhận, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".
"Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen", ông nói.
Đồng ý với những chia sẻ của đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng cần phải xác định nguyên nhân tại sao nở rộ tín dụng đen. Theo ông, một trong các nguyên nhân là vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. Ngoài ra, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện.
Từ đó, theo ông, vấn đề là phải làm sao để người dân hiểu ngân hàng cũng muốn cho vay. Theo đó, hai bên phải có những rà soát lại để đơn giản hoá thủ tục cho vay, đơn giản hoá thủ tục thanh toán.
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia thì cho rằng tín dụng đen không hoàn toàn xấu.
"Đen ở đây không hoàn toàn là xấu, vì nó có những mặt để tạo điều kiện cho người vay tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả”, ông này nêu ý kiến.
Ông cũng đồng tình với ý kiến của ông Hà Huy Tuấn là các ngân hàng cần có thủ tục gọn nhẹ để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả.
“Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng”, ông Warrick Cleine cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.