Tín dụng “đen” tàn phá làng quê

Thứ ba, ngày 18/10/2011 08:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS: Tại nhiều làng quê vùng nông thôn trên khắp nước, cơn bão “tín dụng đen” đã và đang âm ỉ len lỏi vào khắp các thôn xóm và rồi bất ngờ trở thành những trận cuồng phong tàn phá làng xóm vốn bình an.
Bình luận 0

Loạt bài “Tín dụng “đen” tàn phá làng quê” sẽ phản ánh về thực trạng này, đưa ra những nhận định, lời khuyên của các chuyên gia cũng như cảnh báo từ cơ quan chức năng để bạn đọc - đặc biệt là nông dân có thêm thông tin, tránh được hậu quả đáng tiếc.

Kỳ 1: Giăng bẫy bằng thủ đoạn tinh vi

Gom tiền nhờ danh tiếng chồng

Chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng Nguyễn Thanh Tâm - Ngô Thi Ngọc Thơ (trú lô B16, Nguyễn Đình Trọng, tổ 39, Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có trong tay hàng chục tỷ đồng gom từ những người buôn bán nghèo ở chợ, nông dân vùng ven quận khi được đền bù giải tỏa…

img
Người dân ở Đà Nẵng đến nhà vợ chồng Tâm - Thơ đòi nợ.

Để thực hiện được điều đó, từ năm 2007, bà Thơ - ngoài việc đánh trúng tâm lý của các “chủ nợ” là ham lợi, muốn kiếm tiền nhanh, còn dựa vào danh tiếng của chồng (Chi cục trưởng Thi hành án quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), đã mở đường dây chơi biêu (hụi) để huy động vốn dưới hình thức “cầm cái” (chủ biêu) để giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn kinh doanh, giải chấp đáo hạn ngân hàng, đầu tư buôn bán bất động sản…

Bà Thơ đã vay lại tiền của chính những người tham gia trong đường dây biêu của mình và kêu gọi thêm nhiều người cùng viết giấy cho vay mượn với lãi suất cao. Để tạo lòng tin, vợ chồng bà Thơ đã chứng minh cho mọi người thấy những tài sản giá trị như bất động sản (15 căn nhà và lô đất), ô tô… Mỗi lần viết giấy vay tiền, bà Thơ cũng không quên nhắc đến tước vị của chồng.

Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam cũng không thể quên vụ vỡ nợ làm rung động các làng quê mà nhân vật chính là bà Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bội (trú số nhà 242 Nguyễn Tri Phương, TP.Đà Nẵng). Đầu năm 2010, TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên án tù chung thân đối với bà Ngọc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 143 tỷ đồng của 15 nạn nhân (ở Quảng Nam, Đà Nẵng).

Ngoài ra, 15 người này còn huy động từ việc rủ rê thêm bà con, họ hàng, những người thân của mình cùng góp vốn. Từ năm 2007 - 2009, quảng cáo rằng công ty đang ăn nên làm ra, dù sự thật Công ty Ngọc Bội đã mất khả năng thanh toán nhưng vẫn chưa chịu tuyên bố giải thể, bà Ngọc đã mượn tiền của người dân với lãi suất hấp dẫn (2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày) với lý do để kinh doanh ô tô, thuốc tây...

img
Những lá đơn trình báo cơ quan chức năng.

Chỉ thời gian ngắn, bà Ngọc đã huy động được gần 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu V (trú tại Thanh Long, Đà Nẵng), một nạn nhân của bà Ngọc kể: Vợ chồng bà Ngọc tự nhận là cháu… Bà mẹ VN Anh hùng. Cả tin, ông V đã đưa cho bà Ngọc 40 tỷ đồng.

Tạo uy tín bằng “mua sắm, du lịch”

Ngày 28.7.2011, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam “trùm” vay lãi cao Dương Thị Thúy Hà (SN 1972, trú tại 28 Lưu Trọng Lư, TP.Đồng Hới) là Giám đốc DNTN Dịch vụ Thương mại Bảy Hà về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay lập tức, giới “tín dụng đen” ở Quảng Bình - đặc biệt là các chủ nợ đã “huy động” tiền cho Hà vay rúng động bởi có thông tin vụ vỡ nợ này có số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thủ đoạn được Hà đưa ra để huy động tiền, ngoài cái bẫy lãi suất cao (5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày), theo các chủ nợ (cũng có thể gọi đây là các chân rết, là những người đã đứng ra huy động tiền của nhiều người là anh em, họ hàng bằng mối quan hệ tình thân, sau đó cho Hà vay lại), để tạo uy tín, Hà còn hào phóng bỏ tiền đưa họ đi du lịch, mua sắm ở các thành phố xa như Huế, Đà Nẵng, thậm chí ở tận TP. HCM. Chị T - một chủ nợ của Hà ở huyện Bố Trạch cho biết: “Hà rất hào phóng chi tiền để chúng tôi mua quà tặng những người đã cho chúng tôi vay tiền. Còn tiền lãi thì Hà cũng trả rất sòng phẳng. Thường thì khi nhận tiền, Hà trích ngay số tiền vừa nhận để trả lãi...”.

Nhiều chủ nợ “chân rết” của Hà đã áp dụng ngay chiêu thức của Hà để huy động từ nhiều người, sau đó cho Hà vay lại để lấy chênh lệch lãi suất. Thế nên khi Hà bị Công an bắt và vỡ nợ, nhiều “chân rết” cũng vỡ nợ theo và bỏ trốn với số nợ lên tới hàng chục tỷ như trường hợp chị Đoàn Kim T. H (ở huyện Lệ Thủy).

Hiệu ứng domino

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, hàng loạt vụ vỡ nợ đã liên tiếp xảy ra tại các vùng ven đô Hà Nội với số tiền người dân đổ vào "tín dụng đen" lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đầu tiên là vụ vỡ nỡ của hai vợ chồng chủ tiệm vàng ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Tạ Viết Quang và vợ là Bùi Thị Quyên khai nhận đã vay của nhiều người với số tiền lên đến gần 400 tỷ đồng để kinh doanh vàng bạc, bất động sản... nhưng giờ không còn khả năng trả nợ.

Tiếp đó là vụ vỡ nợ "khủng" tại phường Quang Trung (quận Hà Đông). Bà Nguyễn Thị Dậu đã vay số tiền lên tới gần 200 tỷ đồng và cũng mất khả năng chi trả. Dấu hiệu của phản ứng domino "tín dụng đen" chưa chấm dứt khi vài ngày sau, lại thêm một vụ vỡ nợ tại huyện Phú Xuyên do Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, xã Văn Nhân) gây ra, với số tiền lên tới gần 300 tỷ đồng...

Kỳ 2: Nước mắt nông dân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem