Ông Lý cho biết, năm học 2011-2012, nguồn vốn Chương trình Tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng CSXH chuẩn bị từ rất sớm.
Thưa ông, mức cho vay 1 triệu đồng/HSSV/tháng có gây áp lực về nguồn vốn cho ngân hàng?
- Cùng với nâng mức cho vay lên 1 triệu đồng/HSSV/tháng (mỗi HSSV được vay l0 triệu đồng trong 1 năm học), lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 0,65%/tháng, bằng với lãi suất của chương trình cho vay hộ nghèo.
|
Ngân hàng CSXH Nghệ An giải ngân vốn cho vay HSSV. |
Theo chúng tôi, sự điều chỉnh này là cần thiết cho cả hai phía. Tăng mức cho vay sẽ hỗ trợ thêm cho HSSV; tăng lãi suất là giảm bớt một phần gánh nặng bù lỗ của Chính phủ. Tiền giải ngân cho học kỳ I năm học này ước khoảng trên 5.000 tỷ đồng.
Ngân hàng đã chuẩn bị xong, tiền đã sẵn sàng trên tài khoản. Tuy nhiên, thực tế cũng khó có thể lường hết nhu cầu vay vốn tới đâu. Bởi có hai đối tượng được bổ sung vào đối tượng vay vốn ưu đãi từ năm 2010 là bộ đội xuất ngũ đi học và lao động nông thôn học nghề theo đề án của Chính phủ.
Năm học trước, một số địa phương còn tình trạng thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho các đối tượng được vay vốn. Năm nay, thủ tục này có được cải tiến?
- Hiện nay, mẫu giấy xác nhận chung gồm: Mẫu xác nhận HSSV đang học tại các trường đã được Ngân hàng CSXH và Bộ GDĐT, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) thống nhất công bố. Để xác định đúng đối tượng, các địa phương phải điều tra cẩn thận, đặc biệt là đối tượng HSSV thuộc hộ cận nghèo theo tiêu chí mới.
Qua nhiều lần chấn chỉnh, đến nay các địa phương đã thực hiện bình xét các đối tượng dân chủ, từ thôn lên. Việc bình xét được thực hiện từng năm. Như vậy sẽ tránh được việc gia đình khó khăn đột xuất một lần nhưng lại được duyệt cho vay ưu đãi trong cả 4 năm. Việc xác nhận này có thể hơi rườm rà nhưng để đảm bảo vốn đến đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi.
Có đề xuất là những hộ có 2 con trở lên đi học cũng được vay vốn. Quan điểm của Ngân hàng CSXH về việc này thế nào?
- Chúng tôi đã khảo sát và đánh giá sơ bộ, hiện nay trên 80% số hộ gia đình nước ta có thu nhập dưới 10 triệu đồng/người/năm, tương đương 800 nghìn đồng/người/tháng. Nếu gia đình đó có 1 con đi học ở thành phố thì chi phí tối thiểu khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu có 2 con đi học, thì rất khó khăn.
Tổng dư nợ cho vay HSSV đến nay đạt 30 nghìn tỷ đồng với hơn 1,8 triệu hộ gia đình vay vốn cho hơn 2,1 triệu HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề...
Nguồn: Ngân hàng CSXH
Thống kê của Ngân hàng CSXH, hiện cả nước có khoảng 218 nghìn hộ chưa được vay vốn có từ 2 con đi học trở lên với khoảng 473 nghìn HSSV đang học. Khi lấy ý kiến, gần như 100% số đối tượng được khảo sát đều có nguyện vọng thụ hưởng chương trình này, nhưng mức độ ưu đãi thấp hơn, như hỗ trợ bằng một nửa mức cho vay hiện nay; hoặc cũng cho vay 1 triệu đồng/HSSV/tháng, nhưng lãi suất có thể cao hơn… Chúng tôi đang tập hợp lấy ý kiến liên bộ và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9.2011 về vấn đề này.
Nhiều khoản vay trước đây nay đã đến kỳ trả nợ. Việc thu nợ có khó khăn không, thưa ông?
- Chúng tôi đang tiến hành thu nợ và kết quả rất tốt, mỗi tháng thu nợ khoảng 150 tỷ đồng. Nợ quá hạn không phát sinh. Những hộ trả nợ trước hạn được giảm lãi suất. Cụ thể, nếu một hộ vay vốn cho con ăn học trong 4 năm (1 năm sau khi tốt nghiệp mới bắt đầu phải trả nợ - PV) đến kỳ hạn trả hết nợ là 9 năm, nhưng đến năm thứ 5 mà gia đình HSSV này trả hết nợ sẽ được hưởng lãi suất thưởng bằng lãi suất phải trả, nghĩa là lãi suất vay vốn bằng không. Với hộ có điều kiện trả nợ sớm, đây là một khoản hỗ trợ lãi suất rất lớn, đó cũng là chính sách khuyến khích để sớm thu hồi vốn, tạo điều kiện cho các HSSV khác được vay vốn ưu đãi.
Xin cảm ơn ông!
Việt Hải (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.