Tín hiệu vui về bản quyền âm nhạc

Minh Thi Chủ nhật, ngày 02/02/2020 16:32 PM (GMT+7)
Sau một năm nhiều tranh cãi, cuối cùng, Sky Music chấp nhận chi trả bước đầu tiền vi phạm bản quyền âm nhạc cho các thành viên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Bình luận 0

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của VCPMC, trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả đã thu là trên 133 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là 43 tỷ đồng, phía Nam là gần 91 tỷ đồng, số tiền phân phối chi trả cho các chủ sở hữu quyền là hơn 68 tỷ đồng.

Theo xu hướng chung, năm ngoái, số tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc ở các trung tâm vui chơi giải trí và lĩnh vực nhạc chờ, tải (download) có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Còn năm nay, vị trí này thuộc về lĩnh vực sao chép phát hành trực tuyến (tăng 346% so với cùng kỳ năm 2018) và website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội... (tăng 87%).

img

Nhạc sĩ Xuân Ba. M.T

Không chỉ thế, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hiện nay VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers) với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thỏa thuận này đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc).

Còn nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC, nhấn mạnh, đến thời điểm này, tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại trung tâm đến nay là 4.259 tác giả.

Những vụ việc điển hình

Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt, cuối cùng Sky Music thừa nhận sai và bồi thường ban đầu 700 triệu đồng cho các tác giả thành viên VCPMC.

Theo đó, năm 2018, Sky Music bị phát hiện sử dụng các tác phẩm âm nhạc của các tác giả thuộc thành viên VCPMC để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc có thu phí, đồng thời đăng tải các ca khúc này trên website của mình. Sau đó, hơn 40 nhạc sĩ đã ủy thác cho VCPMC đứng ra khởi kiện Sky Music. Trong khi đó, Sky Music lại kiện VCPMC vì cạnh tranh không lành mạnh, phủ nhận những thông tin từ VCPMC đưa ra, yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm…

Kết quả, TAND quận 10 (TP.HCM) đã không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của Sky Music, đồng thời nêu rõ, đơn vị này phải có trách nhiệm trả tiền nhuận bút, tác quyền cho những tác giả thuộc VCPMC mà họ đã sử dụng bài hát để kinh doanh.

Tiếp đó là vụ ông Michael Wel - Phó Giám đốc sản xuất The Vietnam War (“Chiến tranh Việt Nam”) - viết thư xin lỗi NSƯT Xuân Ba vì đã sử dụng ca khúc “Tình quân dân” của ông trong bộ phim tài liệu nói trên mà không trả tiền tác quyền. Lý do, nhà sản xuất ngỡ rằng tác giả đã mất hơn 50 năm, bài hát có thể sử dụng miễn phí. Ngay sau khi phát hiện ra điều này, VCPMC đã tiến hành truy thu tiền tác quyền thông qua các tổ chức bảo hộ tác quyền quốc tế. Đến nay, VCPMC cho biết, nhà sản xuất đã gửi trả 700 triệu đồng tiền tác quyền, dựa trên lượt truy cập của người xem phim.

Theo báo cáo của VCPMC, trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả đã thu là trên 133 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là 43 tỷ đồng, phía Nam là gần 91 tỷ đồng, số tiền phân phối chi trả cho các chủ sở hữu quyền là hơn 68 tỷ đồng.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, nhạc sĩ Xuân Ba hiện có cuộc sống rất khó khăn. Dù tuổi cao song người nghệ sĩ già vẫn phải từng đêm đi đánh đàn ở nhà hàng để kiếm tiền. Ngày nhận được số tiền tác quyền này, ông vui đến mức nghẹn lời.

Một điều đáng chú ý nữa là các nhạc sĩ đặt ra vấn đề nhạc chế cũng phải xin phép tác giả và trả tác quyền. Theo  nhạc sĩ Lê Chí Hiếu, nhiều nhãn hàng hiện nay sử dụng những ca khúc vượt thời gian nhưng lại chế thành những ca từ hoàn toàn khác, làm giảm đi giá trị của tác phẩm. Thêm vào đó, thực trạng này còn cho thấy các nhạc sĩ bị xúc phạm, và vô tình việc chế lời này làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Ca sĩ hát nhạc chế quảng cáo nhận cát-xê rất cao, chưa kể một phút quảng cáo trên truyền hình có giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vì vậy, chính tác giả của ca khúc gốc cũng phải được trả tác quyền.

Về vấn đề này, nhạc sĩ  Đinh Trung Cẩn khẳng định, tất cả các đơn vị khi muốn chế lời các ca khúc của nhạc sĩ đều phải được sự đồng ý của nhạc sĩ và gia đình họ (nếu nhạc sĩ đã qua đời). Và tiền sử dụng tác quyền âm nhạc rất cao. Họ có hợp đồng đoàng hoàng, ví dụ chỉ sử dụng bài nhạc chế đó trong vòng 3 tháng để quảng cáo sản phẩm. Hết thời hạn, nếu đơn vị đó muốn sử dụng phải ký tiếp. Cũng theo ông Cẩn, trong năm nay, VCPMC sẽ áp dụng triệt để các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem