Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp công tác ứng phó khắc phục cơn bão số 2. Ảnh: Đình Thắng
Sáng nay (17.7), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh về công tác ứng phó khắc phục cơn bão số 2 vừa độ bộ vào vùng biển Thanh Hóa – Hà Tĩnh.
Báo cáo về cơn bão số 2, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 1 giờ sáng nay bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, gây gió mạnh cấp 9,10, các đảo ven biển gió giật cấp 11,12. Hồi 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên vùng núi Nghệ An-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Bão số 2 đã tiến sâu vào đất liền Nghệ An - Hà Tĩnh. Nguồn: NCHMF
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Trong sáng nay (17.7) vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình có gió giật cấp 6-8.
Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 16.7 đến 4 giờ ngày 17.7 phổ biến từ 70-150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100-250mm.
Bão đổ bộ khiến cây cối ở một số tuyến đường ven biển Cửa Hội - Nghệ An xơ xác. Ảnh: Lê Tập
Trong ngày hôm nay, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to (50-100mm), từ đêm nay mưa giảm dần. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa ở các khu vực thuộc Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Lũ quét, sạt lở đất, nhập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đặc biệt một số tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Đại diện tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình hình mưa từ 8.7 đến nay phổ biến trên 100mm, có huyện trên 200mm. Từ sáng qua đến hôm nay mưa phổ biến 100mm, có nơi lên tới 160mm. Các hồ chưa ở Thanh Hóa sắp đạt ngưỡng chứa nước, chỉ sợ trong mấy ngày tới tiếp tục mưa sẽ ảnh hưởng đến sức chứa các hồ đập. Diện tích bị ngập úng lúa 559 ha, ngô đổ gãy khoảng trên 700 ha, các loại cây trồng khác bị đổ gãy trên 100 ha.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị sớm triển khai dự án an toàn hồ đập, hiện nay các hồ chứ không an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Bão số 2 đổ bộ khiến nhiều cây cối trên một số tuyến đường tại TP.Hà Tĩnh bị bật gốc. Ảnh: Lê Tập
Đánh giá về tình hình thiệt hại bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tỉnh có 1 người chết, trên 2.872 nhà bị tốc mái, 4.450 ha lúa hè thu bị ngập, trên 2.000 ha vừng bị đổ, 300 ha hưa hấu bị ngập, 350 ha keo và 10.000 cây xanh bị đổ.
Hiện nay các thành viên trong Ban chỉ đạo đã tỏa xuống các địa phương để chỉ đạo khắc phục bão, tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, chủ động đối phó mưa lũ hoàn lưu sau bão”.
Tỉnh Nghệ An có 1 tàu VTV 26 mất tích với 13 thuyền viên, hiện các đơn vị liên quan đang tích cựu tìm kiếm người trên biển.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn cho biết, hiện đã cứu sống được một người trôi trên biển, vẫn còn 12 người chưa tìm thấy.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian bão xảy ra, đã có 18 chuyến bay bị hủy, có 4 chuyến xuống chậm do khó khăn hạ cánh.
Ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, trong vài ngày tới mưa sẽ tiếp tục diễn ra, vậy nên các đại phương cần theo dõi chặt chẽ diến biến của mưa, lũ sau bão, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm kết hợp với tháo nước thanh để cứu lúa và hoa màu vùng bị ngập úng.
Chỉ đạo việc kiểm tra và sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều hồ đập, đặc biệt đối với các trọng điểm đê xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang…
Tìm kiếm bằng được thuyền viên tàu VTB 26
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các địa phương để chủ động khắc phục mưa lũ, và bão số 2, cần tập trung lực lượng tìm kiếm bằng được thuyền viên tàu VTB 26 ở Nghệ An.
Các tỉnh hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả do bão, gia đình có người chết, thăm hỏi động viên kịp thời để bà con yên tâm sớm ổn định cuộc sống. Tiếp tục sơ tán người dân ra khỏi vị trí nguy hiểm nguy cơ dễ sạt lở, lũ quét, cạnh hồ đập mất an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động vận hành liên hồ chứ đảm bảo an toàn hồ đập đê điều. Các địa phương cần tập trung khắc phục sau bão để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, bảo vệ sản xuất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.