TIN MỚI: Xuất khẩu cá ngừ tăng ấn tượng, bất chấp "thẻ vàng" của EU

Khải Huyền Thứ hai, ngày 04/06/2018 14:40 PM (GMT+7)
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU 3 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng trưởng mạnh dù Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu phạt thẻ vàng vì các vấn đề liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp (IUU).
Bình luận 0

Cuối tháng 10.2017, Ủy ban châu Âu đã có thông cáo báo chí đăng trên website: europa.eu về việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp.

Điều này được dự báo sẽ làm giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, tính tới hết tháng 3.2018, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 34,5 triệu USD. Thông tin vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sáng ngày 4.6.

Theo đó, 3thị trường nhập khẩu Việt Nam lớn nhất trong khối này là Đức, Hà Lan và Italy. Trong quý này, xuất khẩu cá ngừ sang cả 3 thị trường đều tăng lần lượt là 21,8%, 46% và 4% so với cùng kỳ năm 2017.

img

Kiểm tra cá ngừ trước khi xuất bán. Ảnh tư liệu. 

Cũng theo VASEP, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang thị trường châu Âu trong 3 tháng đầu năm tăng ấn tượng 332%, đạt gần 6 triệu USD. Thăn/philê cá ngừ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU trong giai đoạn này, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp, thông thường việc cảnh báo thẻ vàng sẽ làm hạn chế xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu từ trong nước không nhiều, chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu nên thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang EU.

Việc sử dụng cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn từ các tàu khai thác quốc tế giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc hoàn tất bộ chứng từ theo yêu cầu của EU về IUU.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cũng thông tin, nhu cầu xuất khẩu hải sản sang EU của doanh nghiệp khá lớn, tuy nhiên nguồn nguyên liệu khai thác trong nước để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc lại không nhiều. 

Do đó, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Trong khi, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các tàu cá nước ngoài cũng không hề đơn giản.

Đơn cử như tại Công ty TNHH Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn, bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty cho biết, từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu doanh nghiệp thu mua trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% công suất chế biến của nhà máy.

Trong khi đó, các đối tác nhập khẩu EU lại chỉ yêu thích và chấp nhận sản phẩm có nguồn gốc được khai thác, đánh bắt ở vùng biển Việt Nam. Do vậy, việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất dẫn đến doanh thu không đảm bảo, doanh nghiệp phải bù thêm trả lương cho công nhân. 

img

Khách hàng rất chuộng sản phẩm hải sản đánh bắt tại Việt Nam nhưng nguồn nguyên liệu  đánh bắt trong nước rất khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Châu Âu.

Còn theo các nhà nhập khẩu EU, căn cứ vào tình trạng IUU của Thái Lan, nước đã bị cảnh báo thẻ vàng trong 2 năm qua, cộng với nỗ lực của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm chống khai thác IUU, việc cảnh báo thẻ đỏ với Việt Nam sẽ không diễn ra ngay lập tức.

Do đó, tình trạng IUU của Việt Nam tạm thời không làm thay đổi về hoạt động thương mại giữa các nước EU và Việt Nam. Nhưng việc cảnh báo có thể làm tăng nguy cơ các lô hàng bị trả về nếu các doanh nghiệp không chứng minh được tính minh bạch về nguồn gốc khai thác của lô hàng, đồng thời các lô hàng cá ngừ của Việt Nam khi xuất sang sẽ tốn thêm chi phí và thời gian để kiểm tra về nguồn gốc.

Ngoài ra, do đầu năm EU vẫn áp dụng hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu cho 25.000 tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín từ các nước thứ 3 – không có thỏa thuận thương mại với EU như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc… nên các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín.

Vì thẻ vàng, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU giảm mạnh

Khác với cá ngừ, da tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang EU chỉ đạt 17,3 triệu USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân có thể là do tác động từ việc EU giơ thẻ vàng đối với thủy sản XK của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem