GS -TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.
GS -TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thưa GS, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hay còn gọi là Lễ giỗ Tổ có nét đặc trưng gì với dân tộc chúng ta?
- Việc thờ Hùng Vương của chúng ta có được truyền thống, thành nếp từ bao đời nay. Hiểu một cách nào đó đấy cũng là nét độc đáo. Câu chuyện cũng rất đẹp, tức là chuyện con Rồng cháu Tiên, sau đó đến thời kỳ dựng nước có được hình tượng những vị Vua Hùng. Nói về huyền thoại lịch sử dân tộc nào cũng trải qua, cũng có, tuy nhiên có thể nói huyền thoại lịch sử của chúng ta khá đẹp.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nét rất hay, tức là việc thờ Vua Hùng không đặt ra nghi lễ gì quá chặt chẽ, phức tạp, miễn là người dân nhớ tới ngày đó là được”.
GS - TS Đỗ Quang Hưng
|
Nét độc đáo nữa là Lễ giỗ Tổ được giữ thành nền nếp. Nền nếp này sở dĩ giữ được bởi nước ta sau khi dựng nước đã bị đô hộ nghìn năm, khi giữ được tâm thức thờ cúng tổ tiên, lại trên nền văn hóa của nghìn năm Bắc thuộc, được sàng lọc và coi đó là cái “cọc” về tinh thần để dân tộc ta giữ lấy.
Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì khiến trải qua hàng nghìn năm vẫn được trao truyền và phát triển trong thời đại ngày nay, thưa GS?
- Theo tôi có hai lý do chính. Thứ nhất là độ lưu truyền. Dù trong lịch sử không rõ có năm tháng nào bị đứt quãng không, cái đó chưa ai chứng minh được, nhưng có thể nói về độ lưu truyền thể hiện rất rõ tính liên tục. Có thể nói đó là tâm thức dân tộc đã hằn sâu thành truyền thống.
Có những dân tộc cũng có nhiều câu chuyện huyền thoại rất đẹp, nhưng do nhiều lý do họ không duy trì được tốt nên chỉ còn giá trị tượng trưng. Còn với dân tộc ta, câu chuyện huyền thoại được hiện thực hóa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác được thể hiện qua câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Lý do thứ hai, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nét rất hay, tức là việc thờ Vua Hùng không đặt ra nghi lễ gì quá chặt chẽ, phức tạp, miễn là người dân nhớ tới ngày đó là được. Chính vì vậy, không chỉ ở đất Phú Thọ, trong miền Nam nhân dân cũng xây dựng Đền Hùng, việc thờ phụng rất đơn giản nhưng rất quý.
Nhìn ra thế giới, ví dụ như người Nhật Bản, họ quy chuẩn thờ phụng rất chặt chẽ. Còn đến nay chưa có ai nói tín ngưỡng thờ Hùng Vương có bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu nghi thức phức tạp, người dân chỉ cần ngày ngày thắp nhang khấn vái là được.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19.9.1954 tại Đền Giếng thuộc Khu di tích lực sử Đền Hùng. Ảnh: T.L
Theo GS, những giá trị truyền thống, nét đặc sắc của thời đại Hùng Vương có giá trị thế nào đối với công cuộc phát triển đất nước hôm nay?
- Cái hay thứ nhất là từ câu chuyện huyền thoại rồi dần dần được hiện thực hóa, đó là một nét hay, nhưng cũng rất thực vì trải qua logic của lịch sử đã chứng minh quá trình hình thành nước ta là như vậy. Bên cạnh đó là một biểu trưng quyền lực của dân tộc khi hình thành quốc gia mà người ta giữ lấy. Cái đó rất tốt. Tại sao nói vậy? Vì khi chúng ta nói đến Vua Hùng, vừa nói đến tổ tiên nhưng đồng thời cũng thể hiện tính mô típ của quyền lực sơ khởi của Nhà nước của quốc gia. Đây là nét khác hơn so với các quốc gia.
Điều thứ hai, có thể nói những giá trị truyền thống, nét đặc sắc ấy có giá trị cho đến thời đại ngày nay, không chỉ có ý nghĩa lập nước mà còn được sàng lọc và được người Việt trên khắp cả nước chấp nhận, như một biểu trưng của chủ nghĩa dân tộc.
Tóm lại, điểm thứ nhất là biểu trưng của hình thành quốc gia, thứ hai là biểu tượng gắn kết cộng đồng. Hai điểm đó đều là nét đẹp khi nói về thờ cúng Vua Hùng. Trong thời đại ngày nay, những điểm đó cần được gìn giữ để củng cố và phát triển chủ nghĩa dân tộc cho đúng đắn.
Cách đây hơn 4 năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của nước ta được UNESCO vinh danh là một trong các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của toàn nhân loại. Bên cạnh sự vinh danh là nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ trong thời đại mới. Nhiệm vụ này là gì, thưa GS?
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như các hình thức văn hóa tâm linh khác của chúng ta được vinh danh đều không thoát khỏi sự thách thức, đe dọa trong cuộc sống. Cơ sở văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể mà Unesco đã công nhận, luôn đặt cho chúng ta câu hỏi và một thách thức là nếu không duy trì và phát triển để nó sống với thời đại ngày nay thì đến một lúc nào đó người ta cũng quên đi hoặc không công nhận nữa, chứ không phải cứ được vinh danh là tồn tại mãi mãi.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay bất cứ một cơ sở văn hóa nào, loại hình văn hóa nào mà được thừa nhận đều đứng trước thử thách như nhau. Vấn đề chỉ ở chỗ hy vọng nhân dân ta với tri thức ngày một nâng cao, sẽ sàng lọc, lựa chọn để tìm ra cách để bảo vệ truyền thống này cho thích hợp, đúng đắn, cũng như đáp ứng yêu cầu của UNESCO.
Từ câu chuyện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến những loại hình văn hóa đã và sắp được vinh danh, trong quá trình gìn giữ theo GS điều gì là sự thách đố, thách thức có tính quy luật?
- Một loại hình văn hóa được vinh danh là sự thử thách một lần nữa đối với cộng đồng đó, dân tộc đó, rằng anh có thực sự làm chủ và phát triển cái đã được vinh danh một cách đúng đắn và theo yêu cầu của UNESCO đặt ra hay không. Với câu chuyện thờ cúng Hùng Vương, chúng ta đã có hàng nghìn đời lưu truyền và giữ ở mức đó, giờ sau khi đã được vinh danh lại có thêm thử thách cho việc bảo tồn, gìn giữ chứ không hề đơn giản.
Xin cảm ơn GS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.