Tin nhắn giúp nông dân châu Phi tăng thu nhập như thế nào?

Thứ tư, ngày 23/05/2018 10:00 AM (GMT+7)
Chương trình myAgro do một nữ CEO phát triển đã giúp hàng chục nghìn hộ nông dân lên kế hoạch tài chính mùa vụ và nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Luôn luẩn quẩn trong vòng quay từ đói nghèo dẫn đến phải dùng hạt giống kém chất lượng, năng suất thấp và lại đói nghèo, nông dân ở các quốc gia đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn nâng cao chất lượng nông sản. Nhưng dự án myAgro do nữ CEO Anushka Ratnayke khởi xướng vào năm 2011 đã mang đến cho những người nông dân một hệ thống đầu tư cho nông nghiệp an toàn và dễ sử dụng thông qua chiếc điện thoại.

Anushka Ratnayake sống tại một vùng nông thôn hẻo lánh ở Rwanda, làm việc cho một tổ chức tín dụng và bất chợt nảy ý tưởng về myAgro. Theo cô quan sát, những người nông dân có kha khá tiền vào mùa thu hoạch, nhưng khi đến thời kỳ trồng trọt, cần mua hạt giống và phân bón thì họ đã hết tiền.

img

Anushka Ratnayake, CEO và nhà sáng lập của myAgro. Ảnh: The Gurdian

Anushka chia sẻ: "Khi đó tôi đã nghĩ mình có thể xây dựng cho người nông dân một mô hình để họ tiết kiệm tiền". Từ suy nghĩ ban đầu, ý tưởng về myAgro đã hình thành và hiện nay đang là một dự án tiết kiệm tiên phong, hoạt động chủ yếu ở Mali và Senegal.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng, có khoảng 767 triệu người sống dưới mức 1,90 USD/ngày và phần lớn trong số họ sống tại Nam Á và Châu Phi, thường là các hộ nông dân nhỏ lẻ. 70% nông dân châu Phi kiếm sống bằng nông nghiệp nhưng không phải ai cũng trồng đủ lương thực để ăn. Họ hiếm khi có tiền để có thể mua nguồn hạt giống và phân bón chất lượng.

Qua thời gian làm việc với người nông dân, Ratnayake chứng kiến thực tế rằng, dòng tiền là vấn đề chủ yếu mà người nông dân phải đối phó. Cô cũng nhận thấy hiện không có bất cứ một tổ chức nào thực hiện các chương trình tiết kiệm quy mô nhỏ, trong khi phần lớn các hộ nông dân nhỏ lẻ phân bố khá xa các ngân hàng và chỉ có một số lượng rất ít được tiếp cận với hình thức cho vay truyền thống.

Với nền tảng Layaway Mobile của myAgro do nữ CEO này phát triển, người nông dân có thể gửi các khoản tiền tiết kiệm dành cho hạt giống, phân bón hay các khóa đào tạo nông nghiệp thông qua một chiếc thẻ như thẻ cào điện thoại.

Thẻ có thể mua được tại cửa hàng tiện lợi của địa phương, và người nông dân sau đó sẽ nhắn tin số trên tấm thẻ đến tài khoản myAgro của mình. Bằng cách này, họ sẽ có thể hoàn toàn tin tưởng rằng tiền đã được tiết kiệm một cách an toàn. Họ sẽ được ghi danh vào một chương trình để khi đến thời điểm thu hoạch, khi họ có tiền, myAgro sẽ đến để giúp họ tiết kiệm và lên kế hoạch cho vụ mùa kế tiếp.

img

Một người nông dân mua thẻ cào myAgro tại cửa hàng địa phương. Ảnh: The Gurdian

Đến mùa gieo trồng, hạt giống đã được mua bằng khoản tiền tiết kiệm nói trên được chuyển đến nhà nông dân. Họ được tham gia các khóa đào tạo nông nghiệp để đảm bảo năng suất vụ đó cao hơn các vụ trước.

Mặc dù 43% lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ, ở châu Phi là 50%, nhưng họ không có nhiều khả năng để tiếp cận với các chương trình đào tạo nông nghiệp bằng nam giới. Còn với chương trình của mình, Ratnayake cho biết phụ nữ chiếm 70% người mua thẻ. Những ảnh hưởng tích cực của nó đến cuộc sống của phụ nữ là một trong những điều nữ CEO này tự hào. Ratnayake chia sẻ: "Phụ nữ độc lập hơn khi có một khoản tiền tiết kiệm riêng, vị thế của họ trong gia đình cũng sẽ tốt hơn khi thể hiện được khả năng chăm lo cho cả gia đình – đây là một thành quả tuyệt vời".

Tại sao Mali lại được chọn là nơi đầu tiên hoạt động khi myAgro mới ra đời vào năm 2011?  Ratnayake cho biết, ở Mali, nông nghiệp là nguồn thu nhập chủ yếu của ba phần tư dân số. Tại Mali, người nông dân có rất nhiều đất đai, nhưng họ không thể canh tác được bởi lớp đất sỏi cần phân bón trong khi họ không có tiền mua. Như một kết quả tất yếu, họ không trồng trọt được đủ lương thực mà gia đình cần.

"Chúng tôi tìm thấy cơ hội phát triển tuyệt vời ở đây, những người nông dân chăm chỉ, làng xóm nằm gần nhau và như thế các cửa hàng tiện lợi dễ dàng phục vụ hơn. Ngoài ra, với dân số đã gần như tăng gấp đôi trong 20 năm qua, cơ hội để người nông dân đầu tư cho những cánh đồng và thoát khỏi đói nghèo rất triển vọng", cô cho biết. Theo cô, mô hình này cũng có thể nhân rộng trên toàn cầu.

img

Một người nông dân cầm trên tay những hạt đậu tương thu được từ vụ mùa với sự giúp đỡ từ myAgro. Ảnh: The Gurdian

Sau khi nghiên cứu và lên kế hoạch cẩn thận, chương trình đã nhanh chóng mở rộng. Đến năm 2017, myAgro đã có 34.000 khách hàng từ Mali và Senegal. Ratnayake tính toán, một người nông dân tham gia vào chương trình sẽ tăng khoảng 60% thu nhập trung bình năm. Điều này cũng mang đến lợi ích cho chủ cửa hàng tiện lợi. Thêm vào đó, các công ty hạt giống cũng hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường. Năm tới, myAgro sẽ phát triển tại Tanzania, với bước đi đầu là hướng tới các nhóm tiết kiệm đã được thành lập.

Ratnayake và nhóm của cô mới đây đã nhận được giải thưởng Skoll, trao cho các dự án giúp cải thiện thế giới. Mỗi đơn vị chiến thắng sẽ nhận được 1,25 triệu USD trong 3 năm để mở rộng tầm ảnh hưởng. Ratnayake cho biết: "Chúng tôi có thể mang câu chuyện của myAgro đến với đông đảo khán giả hơn, tham gia vào mạng lưới của cộng đồng Skoll và học hỏi từ họ và cũng có thể trở thành đối tác trong tương lại".

Đội ngũ phát triển myAgro hy vọng những thành quả đạt được hiện nay sẽ bền vững đến năm 2021. Mục tiêu của nhóm là đến năm 2025, sẽ có khoảng một triệu hộ nông dân tham gia vào mô hình và giúp người nông dân nhân đôi thu nhập, với mức tăng khoảng 550 USD mỗi hộ gia đình một năm.

Vi Vũ (Theo The Guardian) (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem