TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Truy tố đối tượng bắn cán bộ công an huyện tử vong; lái xe tông CSGT

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 04/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Truy tố đối tượng bắn cán bộ công an huyện tử vong ở Đắk Nông; khởi tố 2 "ma men" chống đối, lái xe tông CSGT; Phó Chủ tịch xã cho vay nặng lãi tới 10.000 đồng/triệu/ngày... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Truy tố đối tượng bắn cán bộ công an huyện tử vong ở Đắk Nông

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 4/5, Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Nguyễn Sỹ Lộc (SN 1958, trú tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) về tội "Giết người".

Truy tố đối tượng bắn cán bộ công an huyện tử vong ở Đắk Nông - Ảnh 1.

Khẩu súng tự chế ông Lộc dùng để bắn nạn nhân.

Theo cáo trạng, năm 1993, Lộc chung sống như vợ chồng với bà N.T.X. (SN 1959, trú tại xã Đắk Búk So).

Bà X. có 3 người con riêng. Vào ngày 5/2/2023 (nhằm ngày rằm tháng Giêng), bà X. nói với Lộc về việc tổ chức nấu ăn nhưng Lộc không đồng ý.

Tuy nhiên, bà X. vẫn tổ chức nấu đồ ăn tại nhà, sau đó đưa toàn bộ thức ăn sang nhà con riêng của mình là anh N.V.D (SN 1981, ở sát nhà ông Lộc) để cùng ăn và uống rượu với các con, cháu và mọi người.

Trước khi ăn, một trong 3 người con riêng của bà X. có mời nhưng Lộc không sang nhà anh D. mà ở nhà lấy rượu ra uống một mình.

Khoảng 19h cùng ngày, khi mọi người đang ngồi ăn, uống tại khu vực bếp nhà anh D. thì Lộc đi bộ sang. Do đã uống rượu và nghi ngờ bà X. có quan hệ tình cảm với người khác nên Lộc chửi bà X.

Lúc này, mọi người mời Lộc ngồi xuống ăn nhưng người đàn ông này đi về và tiếp tục lấy rượu ra uống. Khoảng một lúc sau, Lộc lại đi sang và tiếp tục chửi bà X.

Thấy vậy, anh D. nói "bố về nghỉ đi" nhưng Lộc vẫn tiếp tục chửi. Thời điểm này, anh N.V.H (SN 1987, công tác tại Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) là một trong 3 người con riêng của bà X. đứng dậy nói "bố mà như vậy thì con không gọi bố nữa".

Sau đó, Lộc về nhà và đang tức giận anh H. nên Lộc lấy khẩu súng loại vũ khí thể thao đã mua trước đó để săn bắn, trong hộp tiếp đạn đã lắp sẵn 9 viên đạn và cầm súng đi sang nhà D. nhằm mục đích bắn anh H. Khi đi đến sân, Lộc lên đạn, cầm súng đi vào trong nhà, rồi bóp cò bắn trúng vào đầu anh H.

Trước sự việc nói trên, anh D. lao tới giật súng, quật ngã Lộc xuống nền nhà. Ngay sau đó, anh H. được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức.

Sau khi xảy ra sự việc, Lộc bị bắt để điều tra và đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Khởi tố 2 "ma men" chống đối, lái xe tông CSGT

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 4/5, Công an thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Nguyễn Trường Giang (39 tuổi, ngụ thị xã Phước Long) và Điểu Đô (29 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập) về hành vi chống người thi hành công vụ.

Các quyết định khởi tố, bắt giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Khởi tố 2 "ma men" chống đối, lái xe tông CSGT - Ảnh 1.

Camera ghi lại thời điểm Đô tông CSGT. Ảnh: Đậu Tất Thành/ TTXVN

Theo điều tra ban đầu, khoảng 20h20 ngày 11/4, sau khi nhậu, Điểu Đô lái xe máy chở theo người khác lưu thông trên tuyến ĐT741.

Khi đến chốt kiểm tra nồng độ cồn thuộc khu phố Bình Giang I, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long thì bị 2 cán bộ thuộc Đội CSGT Công an thị xã Phước Long yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Đô không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy, tông trúng Trung úy Nguyễn Hùng Anh, cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thị xã Phước Long.

Sau cú va chạm, xe của Đô điều khiển bị đổ ra đường, Trung úy Nguyễn Hùng Anh bị ngã và xây xước nhẹ.

Đến khoảng 23h cùng ngày, cũng tại điểm chốt đo nồng độ cồn trên, Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn Vũ Nguyễn Trường Giang.

Giang không chấp hành mà có hành vi chống đối, dùng lời lẽ xúc phạm và tấn công lại lực lượng công an nên bị tổ công tác khống chế.

Tại cơ quan công an, Giang và Đô tỏ thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận do nhậu say, không làm chủ bản thân, mất kiểm soát hành vi nên đã có hành vi chống người thi hành công vụ.

Phó Chủ tịch xã cho vay nặng lãi tới 10.000 đồng/triệu/ngày

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 4/5, tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đối với bà Nguyễn Thị Nga (SN 1979) ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá).

Thanh Hoá: Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch xã về hành vi cho vay nặng lãi - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thị Nga. Ảnh: CATH.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá) phát hiện Nguyễn Thị Nga mặc dù là Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn nhưng vì hám lợi nên đã cùng một số đối tượng khác tổ chức cho nhiều cá nhân trên địa bàn huyện Triệu Sơn vay lãi nặng núp bóng dưới một cửa hiệu cầm đồ. 

Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thị Nga đã cho khoảng 60 bị hại vay với tổng số tiền gần 700 triệu đồng với mức lãi suất dao động từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/triệu/ngày, thu lời bất chính gần 50 triệu đồng.

Khám xét nhà của Nguyễn Thị Nga, Công an huyện Triệu Sơn đã thu giữ: 11 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay, 12 xe máy, gần 50 triệu đồng tiền mặt và nhiều tài liệu có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng, phân công thẩm phán xét xử

Chiều 4/5, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, TAND TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng, phân công thẩm phán xét xử - Ảnh 1.

CEO Nguyễn Phương Hằng lúc bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: D.V

Theo nguồn tin, thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng là ông Bùi Đức Nam (Tòa hình sự TAND TP.HCM). Về thời gian xét xử chưa được công bố.

Cáo trạng của vụ án này thể hiện, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, CEO Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.

Quá trình điều tra, CEO Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm các cá nhân trên do nằm mơ. 

Ngoài ra, 3 bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không có mâu thuẫn với những cá nhân trên, nhưng do là nhân viên và hưởng lương của bà Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bà Hằng.

Trong vụ án này, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân tham gia nhiều buổi livestream với bà Nguyễn Phương Hằng. Theo cơ quan điều tra, Đặng Anh Quân đã góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Vụ oan sai hơn 40 năm: Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng

Như Dân Việt đã đưa tin: Nguồn tin của PV chiều 3/5 cho biết, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định THA, buộc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (SN 1965, trú ở thôn 3, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) và 8 người thân của ông Hoạnh với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Đây là vụ việc liên quan đến bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự đã được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm “Yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước” tại bản án dân sự số 125/2022/DSPT ngày 13/5/2022.

Theo hồ sơ vụ án, cách đây hơn 41 năm, vào ngày 18/10/1981, ông Phạm Ngựu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa – nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa tử vong khi đang trên đường về nhà sau một cuộc họp tại địa phương với vết đạn bắn trên thân thể.

Ngày 19/10/1981, Công an tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam ông Trần Bê về tội danh giết người. Đến ngày 17/12/1981, ông Huỳnh Chiếm Phái cũng bị khởi tổ, bắt tạm giam về tội danh nêu trên.

Vụ oan sai hơn 40 năm: Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh - con trai ông Huỳnh Chiếm Phái đến dự phiên xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 13/5/2022. Ảnh: Hoàng Hoạnh. Nguồn: CAND

Sau hơn 13 tháng tạm giam, ngày 10/2/1983, Viện KSND tỉnh Phú Khánh ra lệnh tạm tha ông Phái với lý do “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”, ngày 25/9/1984 ông Bê cũng được trả tự do. Thế nhưng mãi đến ngày 10/12/2009 ông Phái mới nhận được bản photocopy quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện KSND tỉnh Phú Khánh, do không có đủ chứng cứ buộc tội giết người.

Nhiều năm sau đó, hai ông Trần Bê, Huỳnh Chiếm Phái nhiều lần gửi đơn yêu cầu minh oan, đến năm 2015 ông Phái qua đời, con trai ông là Huỳnh Chiếm Hoạnh tiếp tục khiếu kiện. Đầu tháng 8/2019, Viện KSND tỉnh Khánh Hoà công khai xin lỗi thân nhân ông Huỳnh Chiếm Phái và tiếp tục tổ chức xin lỗi ông Trần Bê trong sáng ngày 5/9/2019. Sau đó, ông Bê và người thân ông Phái yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo thỏa thuận, ông Trần Bê đã nhận hơn 511 triệu đồng tiền bồi thường, trong khi đó ông Huỳnh Chiếm Hoạnh – con trai ông Huỳnh Chiếm Phái và Viện KSND tỉnh Khánh Hòa chưa thỏa thuận được mức bồi thường sau 3 lần thương lượng bất thành, nên ông Hoạnh phải khởi kiện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ra tòa.

Vụ oan sai hơn 40 năm: Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Hồng - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa tặng hoa cho ông Trần Bê tại buổi xin lỗi công khai ngày 5/9/2019. Nguồn: CAND

Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST của TAND tỉnh Khánh Hòa ngày 10/3/2022 tuyên xử, buộc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng cho ông Huỳnh Chiếm Hoạnh và 8 người thân.

Sau đó, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa kháng cáo cho rằng án sơ thẩm tính tăng thời gian 9.490 ngày bồi thường thiệt hại tinh thần với tổng số gần 1,3 tỷ đồng là không hợp lý. Trong khi đó, ông Huỳnh Chiếm Hoạnh cũng kháng cáo đề nghị tính thêm thời gian mất thu nhập và thiệt hại vật chất do sức khỏe bị xâm hại.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên mức bồi thường như án sơ thẩm đã tuyên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem