Tính chuyên nghiệp

Thứ sáu, ngày 23/07/2010 04:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên trang thời sự của một tờ báo ra ngày 21-7-2010 có bài: “Tâm tư vì đại biểu Quốc hội nặng lời”. Đọc bài báo, người đọc có nhiều điều để thu hoạch, trong đó có nhận thức về tính chuyên nghiệp của tổ chức, cá nhân trong bộ máy cơ quan Nhà nước...
Bình luận 0

Một trong những điều thu hoạch được là nhận thức về tính chuyên nghiệp trong chức phận, vị trí của các tổ chức, các cá nhân trong bộ máy quyền lực, bộ máy quản lý.

Như chúng ta đều biết, mỗi nghề, mỗi vị trí có tính chuyên nghiệp riêng. Ví dụ ông làm nghề nông hoặc quản lý nhà nước về nghề nông là phải thuộc bài về nghề nông, rồi kèm theo đó lại phải thuộc bài về quản lý nhà nước về nghề nông. Ông làm nghề giáo hoặc quản lý nhà nước về nghề giáo cũng phải thuộc bài đại loại như vậy về ngành nghề ấy. Nếu không chuyên nghiệp, cứ nhìn lại mà coi, dù lý lịch trích ngang có hồng, dù nhiệt tình yêu nước và sự dũng cảm có thừa thì từ mục tiêu, cho đến giải pháp đối với ngành nghề ấy có thể đều trật lấc.

Ví dụ nghề giáo, là nghề liên quan đến sự phát triển có tính chất quá trình của một con người, thì mọi giải phóng đốt cháy giai đoạn, ăn xổi ở thì, không tính đến điểm xuất phát, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, địa lý, dân tộc... đều không dễ thành công, không muốn nói là thất bại. Còn nghề báo, tính chuyên nghiệp sống còn của nó là tính trung thực. Một bài báo, một tờ báo mà không trung thực thì hậu quả tai nạn cũng rất ghê gớm. Sớm muộn cũng sẽ mất lòng tin với độc giả. Chí ít thì cũng là nhạt, là vô tích sự.

Thứ hai là nói về cơ quan quyền lực, tính chuyên nghiệp là cái gì? Có lẽ không cần phải nói, ai cũng hiểu là sự thượng tôn pháp luật, là thực hiện đúng chương trình nghị sự và quy chế hoạt động của cơ quan quyền lực.

Những điều tưởng như nhỏ nhoi là biết lắng nghe, dám lắng nghe, phải lắng nghe mọi ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội công khai phát biểu ở nghị trường. Có thể tiếp thu, có thể lý giải, có thể đấu tranh nhưng phải nghe dù có nhẹ lời hay nặng lời. Cái đấy, người ta gọi là tính chuyên nghiệp về thái độ cần có ở nơi nghị trường của cơ quan quyền lực.

Người làm công tác quản lý nhà nước có nên có thái độ “tâm tư” vì đại biểu Quốc hội nặng lời hay không? Để trả lời câu hỏi này, hãy vi hành đến các địa điểm tiếp dân ở phường, ở làng, ở xã, ở cơ quan xí nghiệp mà xem lời nói nhẹ, lời nói nặng và còn hơn thế nữa của người dân: Mất mặn mất nhạt, có. Chan tương đổ mẻ, có.... Nói chung thượng vàng hạ cám có cả... Ấy vậy mà người cán bộ tiếp dân chuyên nghiệp đâu có được “tâm tư”.

Thế nên trước các ý kiến khác nhau, thái độ khác nhau, người làm quản lý chuyên nghiệp đều phải biết nghe, dám nghe và phải nghe. Thái độ ấy, về khoa học quản lý người ta bảo là tính chuyên nghiệp.

Nhà nước ta đang tiến hành mạnh mẽ cuộc cải cách hành chính. Có lẽ trong cuộc cải cách này khâu mấu chốt là chọn cho được những người thuộc bài, những người dám nghe và biết lắng nghe một cách chuyên nghiệp. Thu hoạch từ một bài báo có tính chuyên nghiệp thật bổ ích biết bao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem