Tỉnh duyệt, sở không chi kinh phí

Thứ ba, ngày 07/06/2011 10:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội ND tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 315 lao động nông thôn theo Đề án 1956. Tuy nhiên, Sở LĐTBXH không cấp kinh phí với lý do trung tâm không có giáo viên cơ hữu.
Bình luận 0

Ngày 31.12.2010, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 2565/QĐ - UBND về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2011. Theo đó, các trường và cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh năm 2011 được giao tuyển sinh 14.175 chỉ tiêu.

Không cấp vì thiếu giáo viên cơ hữu

img

Lao động nông thôn ở Hòa Bình có thể mất cơ hội học nghề vì quyết định của Sở LĐTBXH.

Trong số chỉ tiêu trên, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Hòa Bình) được giao đào tạo nghề cho 315 lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp nghề. Tuy nhiên, khi quyết định về đến Sở LĐTBXH thì sở này lại không cấp kinh phí đào tạo nghề cho trung tâm.

Lý giải về quyết định này, ông Trần Đình Vui - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH cho biết: “Kinh phí đào tạo nghề có hạn nên chúng tôi không thể cấp cho những trung tâm dạy nghề chưa có giáo viên cơ hữu phục vụ cho dạy nghề”. Cũng theo ông Vui, kinh phí dạy nghề năm 2011 còn quá ít (3,1 tỷ đồng), trong khi kinh phí để tổ chức một lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là khoảng 50 triệu đồng.

“Nếu trung tâm không có giáo viên cơ hữu cho những nghề mình định tổ chức dạy nghề thì phải đi thuê giáo viên. Như vậy số tiền 50 triệu đồng đã ít lại càng ít hơn khó đảm bảo được chất lượng dạy nghề”- ông Vui nói. Về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiến - Phó chủ tịch Hội ND tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết: “Lý do mà Sở LĐTBXH đưa ra chưa thuyết phục bởi một số trung tâm không có giáo viên cơ hữu vẫn được phân bổ”.

Theo tìm hiểu của NTNN, trong Quyết định số 2565 của UBND tỉnh Hòa Bình có 2 trung tâm dạy nghề chưa có giáo viên cơ hữu là Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Hòa Bình) và Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Hòa Bình (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình). Tuy nhiên, chỉ có Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân bị cắt kinh phí đào tạo nghề. Đáng nói, quyết định của UBND tỉnh được ban hành từ chính đề nghị của Giám đốc Sở LĐTBXH (tại tờ trình số 102/TTr – LĐTBXH ngày 20.12.2010)!

Lo ngại ảnh hưởng tới học viên

Ông Phạm Văn Luyện - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dạy nghề) đánh giá: “Sở LĐTBXH Hòa Bình không cấp kinh phí dạy nghề năm 2011 vì trung tâm không có giáo viên cơ hữu là đúng. Tuy nhiên, thực hiện chính sách cần thực hiện đúng, đủ. Nếu sở không cấp kinh phí thì không cấp cho tất cả các trung tâm dạy nghề không đủ điều kiện và không trình UBND”.

Theo ông Bùi Văn Tiến, hiện nay, trung tâm đang nỗ lực để hoàn thiện nhân lực và cơ sở vật chất. Song song với hoạt động đó, trung tâm vẫn tổ chức dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Theo Đề án 1956, tháng 4-2011, trung tâm tổ chức dạy 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp và kỹ thuật trồng trọt theo chương trình của năm 2010.

Trong 2 nghề này thì nghề sửa chữa máy nông nghiệp không phải giáo viên nào cũng có thể đáp ứng được nhu cầu. Nhiều trung tâm khi mở lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp vẫn phải thuê giáo viên thỉnh giảng. Cũng theo ông Tiến, hai lớp này trong tháng 6 sẽ kết thúc nhưng hiện các học viên đã có thể áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Vậy cơ sở nào để Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình nói trung tâm hoạt động không hiệu quả mà cắt kinh phí đào tạo nghề?

Do bị cắt kinh phí, hiện hàng trăm học viên đang học tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm có nguy cơ không được hưởng chính sách theo Đề án 1956. Ông Tiến cho rằng, việc ngừng cấp kinh phí đột ngột và bất thường sẽ khiến nông dân không tin tưởng vào chính sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem