Những công chức nào sẽ được giữ lại sau tinh gọn bộ máy?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 25/12/2024 10:11 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề "Ai sẽ được giữ lại?" trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Bình luận 0

Sau tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức nào sẽ được giữ lại?

Tinh gọn bộ máy đang trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nhưng đồng thời câu hỏi: “Ai sẽ là người ở lại?” thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, công chức.

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) được tinh gọn còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 Bộ) và còn 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).

Bộ Nội vụ quy định, việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Trong đó quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cụ thể:

Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp.

Tinh giản bộ máy: Những công chức nào sẽ được giữ lại? - Ảnh 1.

Bộ Nội vụ quy định, việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học. Ảnh minh họa: N.T

Với cấp phó của người đứng đầu, cần căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.

Với cán bộ công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hình thành sau sắp xếp đề xuất phương án sắp xếp, bố trí đối với cán bộ phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhiệm trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất.

Trường hợp không còn nhiệm vụ thì có thể bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức viên chức hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.

Tinh giản biên chế gồm những ai?

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến hết tháng 10 năm 2024, các cơ quan nhà nước đã giảm được 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đã giảm 13 sở và tương đương, cùng với 2.613 tổ chức cấp phòng tại các địa phương.

Một trong những nguyên tắc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính được Bộ Nội vụ nêu rõ đó là: Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.

Tinh giản bộ máy: Những công chức nào sẽ được giữ lại? - Ảnh 2.

Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nêu rõ đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Ảnh minh họa: N.T

Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nêu rõ đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

“Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;

Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem