Tình hình kinh tế quý 1/2023 ở TP.HCM xấu hơn so với dự báo, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân cốt lõi
Tình hình kinh tế quý 1 ở TP.HCM xấu hơn so với dự báo, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân cốt lõi
Quốc Hải
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 11:18 AM (GMT+7)
Cả 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không được TP.HCM tận dụng hiệu quả, dẫn đến kết quả kinh tế quý 1 của "đầu tàu" phía Nam xấu hơn so với dự báo.
Đây là nhận định của TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm", do UBND TP.HCM tổ chức, diễn ra sáng nay (1/4).
3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bị... bỏ rơi?
Theo TS Trần Du Lịch, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
"Tôi thấy báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM có nêu về tình hình giảm tốc của kinh tế TP, nhưng không thấy nêu rõ nguyên nhân cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực để có cái nhìn tổng quan hơn về việc này", ông Lịch nói.
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc kinh tế TP.HCM giảm tốc trong quý 1 đến từ 2 vấn đề chính đã xuất hiện từ quý IV/2022, đó là do tình hình biến động tài chính trên thế giới và các động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, tài chính, trái phiếu... ở trong nước.
"Hai yếu tố này cộng hưởng làm chúng ta rất khó khăn bởi TP.HCM là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này nặng nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay, các khó khăn này đã có phần cải thiện", ông Lịch nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quát về tình hình kinh tế TP.HCM trong bối cảnh nhiều địa phương khác vẫn có mức tăng trưởng khá hơn, TS Trần Du Lịch khẳng định, TP.HCM chưa tận dụng hiệu quả 3 trụ cột quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.
Thứ nhất, lĩnh vực đầu tư công có thể tạo hiệu ứng theo cấp số nhân cho nền kinh tế, nhưng trong quý I, TP.HCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công, gần như bỏ hoàn toàn công cụ này. Rất đáng tiếc và rất đáng suy ngẫm.
Thứ hai, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tháo gỡ các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, việc này ở TP.HCM vẫn chưa quá quyết liệt, nhiều dự án vẫn chưa minh bạch.
Thứ ba, TP.HCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.
"Nhưng theo quan sát của tôi thì trong quý 1 vừa qua, cả 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không được TP.HCM tận dụng hiệu quả", ông Lịch nói và cho biết thêm, từ tháng 2, ông đã kiến nghị 10 điểm, đặc biệt là công khai minh bạch số lượng dự án, hồ sơ tồn đọng và tiến độ xử lý nhưng đến nay vẫn rất chậm.
"Việc này là mấu chốt tạo niềm tin cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới có thể phát triển, bù đắp thiệt hại thời gian qua", TS Trần Du Lịch, nhấn mạnh.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, với dự báo tình hình chung khởi sắc hơn từ quý 3, TP cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.
"Các khẩu hiệu đẩy mạnh, tăng cường... thì thôi đi, hãy làm bằng các giải pháp cụ thể", ông Lịch chốt.
Doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn và lãi suất dưới 10%
Trong khi đó, góp ý tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết cộng đồng doanh nghiệp TP hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.
Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo dãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.
Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho. Đồng thời, mong muốn TP đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn, tuy nhiên với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.
"Doanh nghiệp đang cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%. Song song, để có tài sản thế chấp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hàng năm nên không thể thế chấp", ông Hòa, nêu.
"Để phục hồi kinh tế ngay từ quý 2, trong tháng 4 này, HUBA sẽ triển khai nhóm doanh nghiệp đầu ngành để có giải pháp, chương trình làm việc cụ thể, có hiến kế, phản biện, qua đó có thể dẫn dắt cả ngành phục hồi", ông Hòa khẳng định và kiến nghị, TP.HCM nên sớm hỗ trợ các chương trình xúc tiến thị trường ngách, thị trường mới, những thị trường chưa được quan tâm như Nam Mỹ, Trung Đông…
"UBND TP sớm khẩn trương xem xét và có ý kiến với chương trình kích cầu để doanh nghiệp bắt tay triển khai dự án, bởi nếu các DN triển khai sớm sẽ không được hỗ trợ từ chương trình kích cầu", ông Hòa nói thêm.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thì cho hay, tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm, tình hình sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn khó, đầu ra của thị trường suy giảm nên nhu cầu vay vốn không nhiều.
"Về gói 120.000 tỷ cho phát triển nhà ở xã hội, sửa chữa nhà chung cư, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo để triển khai, 1-2 tuần tới sẽ triển khai gói này, khi có hướng dẫn thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ triển khai ngay đến người dân, doanh nghiệp có nhu cầu", đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.