Tính lãi ảo cho nông dân!

Thứ sáu, ngày 05/03/2010 08:51 AM (GMT+7)
NTNN - Theo tính toán của các bộ, ngành, năm nay chỉ cần giá lúa ở mức 4.000 đồng/ kg là nông dân có lãi 30%. Tuy nhiên, theo cách tính của tôi, lãi 30% là lãi ảo.
Bình luận 0

img
Với giá lúa 4.000đồng/kg mà các DN đưa ra, thực chất nông dân chưa có lãi.

Giá thành: Mỗi nơi tính một kiểu

Tại hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa hàng hóa đông xuân 2009-2010 do VFA tổ chức ngày 2-3 tại An Giang, ông Võ Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đưa ra mức tính giá thành sản xuất lúa chỉ 2.200 đồng/kg.

Theo ông Nghĩa, với mức giá 4.000 đồng/kg lúa như hiện nay, nông dân đã có lời. Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng giá thành sản xuất lúa vụ này từ 3.300 - 3.700 đồng/kg.

Thực tế, tính giá thành hạt lúa lâu nay thường chỉ tính nước, phân, cần, giống. Nhưng thường là tính không sát giá (tính thiếu) và năng suất thường hơi cao hơn thực tế (hơi dư).

Ở khu vực ĐBSCL, hạt lúa làm ra là lúa hàng hóa chứ không sản xuất theo kiểu tự cung tự tiêu, cần thiết phải hạch toán kinh tế cho chính xác. Trong tính giá thành (giá vốn) hiện nay vẫn còn thiếu hai phần quan trọng là công quản lý của chủ đất và tiền thuê đất.

Trong quản lý sản xuất, nông dân trực canh từ 3ha trở lên là chủ trang trại, tạm so sánh với quản lý công nghiệp như là quản đốc, vậy mà khi tính giá thành lúa lại không có tính lương và các loại bảo hiểm, chi phí giao dịch (trung gian).

Lấy thí dụ, một nông dân canh tác 1ha ruộng, chắc chắn một điều vợ chồng anh ta khó có thể đi làm công nhân xí nghiệp để có thêm thu nhập. Do đó, tính giá thành phải tính tiền công lao động cho nông dân - ít ra cũng phải bằng với lương công nhân.

Còn giá thuê đất hiện nay, tùy loại, từ 10 - 25 triệu đồng/ha/năm. Nếu là mua thì bình quân phải từ 400 - 600 triệu đồng/ha. Vậy ta có tính lãi tiền mua đất hoặc tiền thuê đất cho nông dân hay không? 

“Bỏ quên” nhiều khoản…

Lãi 30% để tính toán khi đặt ra giá sàn mua lúa cho nông dân của doanh nghiệp là tính trên cái nền nào? Nếu không tính đúng giá sàn mà cứ áp đặt giá một cách tùy tiện rồi hô hào là nông dân đang có lãi thì oan cho người nông dân lắm…

Thực tế, người nông dân ít khi đủ vốn để sản xuất ra hạt lúa. Muốn có tiền mặt thì sổ đỏ phải nằm ngoài ngân hàng. Tính giá thành hạt lúa, có tính khoản lãi vay của nông dân hay không? Trong 16 chỉ tiêu đưa ra trong tính giá thành sản xuất lúa thì đã có 11 chỉ tiêu tăng giá như chi phí bơm tưới, phân, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp...

Ở nhiều thời điểm, giá vật tư nông nghiệp cũng “nhảy múa”, vậy tính giá thành cho hạt lúa thì căn cứ vào giá thị trường của vật tư nông nghiệp hay tính giá của các công ty sản xuất phân, thuốc đưa ra?

Năm 2008 doanh nghiệp nói mua lúa cho nông dân có lãi 30% mà mua có 3.800 đồng/kg (thực chất là mua gạo rồi quy đổi ra lúa).

Cũng cần nói thêm rằng, cùng lúc ấy, cùng chất lượng như nhau Thái Lan cho giá sàn của họ là 5.200 đồng/kg lúa. Năm nay ta nói mua 4.000 đồng/kg, nhưng là lúa khô, cân tại kho của công ty. Vậy nông dân bán lúa tại ruộng giá bao nhiêu? Mướn ghe chở về kho tốn thêm bao nhiêu một kg? Mà chở về kho công ty có mua lúa thiệt không hay mua gạo?

Tính thẳng ra, tính theo 11 chỉ tiêu tăng giá, lại là thu mua tại kho của công ty thì cái giá 4.000 đồng/kg so với 3.800 đồng/kg mua tại ruộng của năm 2008 thì giá mới xem ra “bèo” hơn. Rốt cuộc, cũng chỉ là “nói mẹo” lừa nông dân!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem