Tình người Việt trong lũ dữ ở Attapeu

Trần Quang - Lê Hiếu từ Attapeu, Lào Thứ tư, ngày 01/08/2018 15:12 PM (GMT+7)
Bất chấp mạng sống vượt lũ dữ cứu người, nhường nhau từng bát cơm, mẩu bánh, quần áo cho người bị nạn... là những bằng chứng về tình người Việt trong thảm họa ở Sanamxay, tỉnh Attapeu (Lào).
Bình luận 0

Bất chấp mạng sống cứu người trong lũ dữ

Sau nhiều ngày được cứu từ bản May, một trong 6 bản bị tàn phá nặng nề nhất sau vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở huyện Sanamxay, anh Bùi Thế Phương, quê ở Kim Sơn (Ninh Bình) vẫn còn hoảng sợ khi nhớ lại những giây phút kinh hoàng mà gia đình mình vừa trải qua.

img

Hiện, các gia đình người Việt bị nạn sau sự cố vỡ đập thủy điện đang được gia đình anh Trình cưu mang, giúp đỡ.

"Đêm hôm đó thực sự là thảm họa kinh hoàng, chúng tôi không hề nghĩ là mình có thể sống sót được", anh Phương nhớ lại.

Sau khi lũ về, vợ chồng anh cùng đứa con nhỏ đứng trên lầu nhà hàng xóm đợi cứu hộ và cố soi đèn pin về phía nhà mình. “Lúc đầu còn thấy nóc nhà, sau chìm nghỉm rồi ục một tiếng thật lớn. Nhà tôi bị cuốn trong tích tắc”, anh kể. Chưa kịp định thần thì anh thấy thuyền của dân bản tới cứu. “Khi họ đến, nước đã nhấn chìm lầu một của ngôi nhà tôi đứng. Để ra được chỗ thuyền không còn cách nào khác, phải bơi, nhưng vợ tôi không biết bơi, con thì kêu khóc. Hoảng quá tôi nhảy xuống nước, vai vác con, cổ đeo theo vợ bơi mãi cuối cùng cũng ra đến thuyền. Chiếc thuyền nhỏ xíu chở 5 người xoáy tít giữa dòng nước xiết", anh Phương nói thêm.

Anh Phương cùng một người khác tìm chỗ cao thả người thân xuống và đưa vào nơi an toàn. Ngay sau đó, anh cùng mọi người huy động được 2 chiếc thuyền quay lại để cứu mọi người trong bản. "Lúc đó tôi còn rất hoảng sợ và kiệt sức nhưng nghĩ còn nhiều người khác đang nguy hiểm nên không do dự mà đưa thuyền quay lại để cứu mọi người ngay", anh Phương nhớ lại. 

img

Chị Đoàn Thị Tiểu My, một tiểu thương Việt kiều kinh doanh ở tỉnh Attapeu (Lào) trao quà, động viên các gia đình người Việt bị nạn sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian- Xe Nam Noy ở huyện Sanamxay.

“Quay lại tìm kiếm mọi người, khắp bản làng đã chìm trong biển nước, đâu đâu tôi cũng thấy tiếng người khóc lóc thảm thiết, cứu cứu, có người không còn quần áo, có người nửa thân bám trên ngọn cây nửa thân dưới nước, có người không thể bám nổi phải cởi áo cột 2 tay vào nhau vòng qua thân cây”, anh Phương kể.

Anh Phương cùng mọi người đã cứu được hàng chục người dân đưa về điểm cao tránh lũ. Tới trưa 24.7, gia đình anh Phương cùng hơn 300 người về được đến Pindon, bản nằm cao nhất trong số các bản gần khu vực đập. Tuy nhiên, bản này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thiếu nước và thực phẩm, liên lạc và điện bị cắt nên lâm vào cảnh cô lập.

"Sau 2 ngày nhịn đói, tới ngày thứ 3 thì không ai chịu nổi. Mọi người bàn nhau bơi thuyền về bản, vào nhà nào còn lầu chưa bị ngập để tìm gạo. Một số nhà còn gạo, ngâm nước 2 ngày đã chuyển sang màu đỏ nhưng cũng phải nấu mà ăn. Trẻ con, người già ăn cùng một loại thức ăn như thế. Sau đó có thêm mì gói và 9 quả chôm chôm. Chúng tôi dành cho những người đau yếu nhất ăn trước. Dù đói nhưng không ai giành ai”, chị Chi (vợ anh Phương) chia sẻ.

Vợ chồng anh Phương ở đó cho đến ngày 28.7 thì có đoàn cứu trợ vào tới và đưa ra ngoài huyện. "Khi đưa ra con tôi đang sốt rất cao, tôi lo lắng vô cùng, nhưng nhờ có các bác sĩ người Việt và quốc tế cứu giúp, đến giờ cháu đã khỏi, an toàn rồi nên tôi cũng yên tâm hơn", anh Phương nói.

"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mọi thứ"

Đến nay, những hộ người Việt bị thiệt hại sau vụ vỡ đập đang được gia đình ông Vũ Văn Đương và Nguyễn Văn Trình ở bản MitSamphanh, huyện Sanamxay, tạo điều kiện giúp đỡ quần áo, chỗ ăn, uống hàng ngày.

Tại gia đình anh Nguyễn Văn Trình, một chủ gara ô tô ở bản MitSamphanh vào trưa 30.7, các gia đình người Việt quây quần ăn cơm vui vẻ bên nhau. "Điều quan trọng nhất hiện giờ là anh em, bạn bè của tôi đều được cứu khỏi lũ dữ an toàn. Mọi người thiếu gì thì chúng tôi sẽ chia sẻ để bà con yên tâm sinh hoạt, ổn định tinh thần", anh Trình cho biết.

Những nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam đã phần nào tạo sự an tâm, tin cậy từ những hộ bị ảnh hưởng nơi đất khách. Chị Vi Thị Thoa, quê ở Thanh Hóa cho biết: "Sau khi mất hết nhà cửa, gia đình tôi đang sống tại gia đình anh Đương. May được gia đình anh cho đồ để mặc, hai đứa con có cái ăn chứ ở nơi đất bạn không biết bấu víu vào ai".

img

Vợ, con anh Bùi Thế Phương vẫn chưa hết hoảng sợ sau nhiều ngày thoát khỏi thảm họa ở Sanamxay.

Dù đã vượt qua lũ dữ an toàn, bà con người Việt được chính quyền, bạn bè lo cho cuộc sống, sinh hoạt trước mắt, song 4 hộ người Việt ở đây vẫn đau đáu nỗi lo về tương lai của gia đình mình. "Cả nhà 2 vợ chồng và 4 đứa con chỉ trông vào cái máy xay xát. Nhưng trận lũ vừa rồi đã cuốn sạch máy móc cùng mấy trăm bao gạo và toàn bộ nhà cửa. Lúc chạy lũ hoang mang quá, vợ chồng tôi chẳng kịp mang theo gì. Ra khỏi vùng lũ trên người chỉ còn cái quần đùi. Anh em phải cho quần áo, cơm ăn. Mấy ngày nay vợ chồng con cái tá túc tại gara ô tô của anh Trình, về sau chưa biết sẽ sống ra sao nữa”, anh Trần Văn Biền (47 tuổi, một hộ dân người Việt ở bản May) ngậm ngùi.

Hàng ngày, cứ thấy đoàn cứu trợ đến thăm chuyện, tặng quà là anh Bùi Thế Phương lại tủi thân, ứa nước mắt: "Hiện tại, chúng tôi đã an toàn, nhưng mọi thứ đã bị lũ cuốn trôi hết, không biết mai gia đình tôi lấy gì để sống, để tồn tại nữa". 

Cũng như nhà anh Biền, anh Phương, gia đình chị Vy Thị Thoa (37 tuổi, quê Thanh Hóa) "trắng tay" sau thảm họa vỡ đập thủy điện. Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, chị Thoa buồn rầu: "Bây giờ vợ chồng, con tôi vẫn hoảng sợ chưa nghĩ tới điều gì đâu. Biết là còn người là còn của nhưng chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu cả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem