Tình trạng thủy sản nhiễm kháng sinh, bơm tạp chất: Vẫn gia tăng do thu lợi nhuận cao

Thuận Hải Thứ ba, ngày 23/12/2014 13:00 PM (GMT+7)
Tình trạng thủy sản nhiễm kháng sinh cấm, tôm bơm tạp chất… đã tăng lên mức báo động những tháng gần đây. Các cơ quan chức năng cho rằng, có yếu tố kích động, phá hoại nền kinh tế từ nước ngoài nên hành vi này phải được kiểm soát chặt hơn nữa.
Bình luận 0

Số lô hàng bị cảnh báo tăng 7 lần

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho biết, trong năm 2014, Nafiqad đã nhận được rất nhiều thông tin cảnh báo về các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm, có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép. Đặc biệt, đáng báo động là các thị trường xuất thủy sản quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản và Mỹ đã cảnh báo nhiều lần về các chỉ tiêu Oxytetracycline, Nitrofurazone, Malachite Green, Enrofloxacin, Ethoxyquine, Trifluralin…

img

Thanh tra Sở NNPTNT Cà Mau bắt quả tang một vụ bơm tạp chất vào tôm tại xã Tân Thành, TP.Cà Mau.


Cụ thể, tại thị trường EU và Nhật Bản, từ đầu năm đến nay, có đến 72 lô hàng thủy sản bị cảnh báo, tăng gần gấp đôi so với 40 lô của năm 2013. Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, có 58 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo vì dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép.

Cũng theo Nafiqad, thời gian cuối năm, các lô hàng thủy sản bị cảnh báo có giảm nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản đang có dấu hiệu bùng phát. Chỉ riêng 2 tháng 10, 11.2014, có tổng số 17 lô hàng thủy sản nuôi của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo do phát hiện kháng sinh cấm Nitrofurazone. Số liệu thống kê cũng cho thấy, số lô hàng bị cảnh báo ở thị trường EU trong năm 2014 tăng 7 lần so với năm 2013.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế - Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp, nông thôn (A86) thuộc Tổng cục An ninh II cho biết, tình trạng bơm tạp chất vào tôm tại các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang… diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Chỉ riêng tại Cà Mau trong thời gian qua, lực lượng A86 đã phát hiện, xử lý gần 200 vụ bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng, tịch thu gần 40.000 tấn tôm tang vụ. “Nhiều trường hợp không ngại đe dọa cán bộ làm công tác kiểm tra tạp chất trong thủy sản. Đối tượng manh động còn dùng gậy, dao… để chống đối hoặc thuê người đóng giả xe ôm, canh gác trụ sở cơ quan chức năng tại địa phương” - ông Thế nói thêm về tình trạng phức tạp của hành vi bơm tạp chất vào tôm tại các tỉnh.

Có yếu tố phá hoại từ nước ngoài?

Ông Nguyễn Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay, trước đây, tình trạng bơm tạp chất vào tôm chỉ diễn ra ở các tỉnh ven biển, có vùng nuôi tôm. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động này đã lan rộng ra đến Ninh Thuận, Bình Thuận, thậm chí một số khu công nghiệp bỏ hoang ở Cần Thơ còn đầu tư cả dàn máy công nghiệp hiện đại để “tăng trọng” cho tôm.

Theo ông Quang, việc bơm tạp chất vào tôm đem lại lợi nhuận rất cao. Ví dụ, từ 1kg tôm loại 20 con/kg, sau khi được bơm Agar (bột rau câu), sẽ thành tôm loại 15 con/kg, thu lời từ giá chênh lệch giữa hai loại tôm khoảng từ 80.000 – 85.000 đồng/kg. Tôm bơm tạp chất chủ yếu được bán vào Trung Quốc và một phần vào thị trường Trung Đông với giá thấp hơn giá tôm sạch từ 5 – 10%.

“Trước đây, Minh Phú còn bán được 1 – 2 container vào các nhà hàng cao cấp ở Trung Quốc nhưng đến nay thì không bán được nữa, họ chê giá cao nên chọn mua tôm tạp chất” - ông Quang nói thêm.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế cũng cho biết, đã xuất hiện yếu tố nghi ngờ phá hoại nền kinh tế từ nước ngoài thông qua hoạt động bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Theo đó, nhiều nhà máy trực tiếp tiến hành “tăng trọng” cho tôm theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc. Sau đó, họ đưa mặt hàng này về nước, chế biến, xuất khẩu sang nước thứ 3; nếu bị phát hiện có tạp chất, họ sẽ công bố rộng rãi với các đối tác là do mua tôm có tạp chất từ Việt Nam. “Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam mà còn nhằm phá hoại chính sách, nỗ lực ngăn chăn, giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại của Chính phủ cũng như cơ quan chức năng Việt Nam những năm qua” - ông Thế nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Quảng Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, dù nhiều lần rơi vào tình trạng “báo động đỏ” bởi việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng như bơm tạp chất vào tôm, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tự ý thức được tác hại của hành vi này.

“Hiện, các doanh nghiệp mua tôm nguyên liệu đều kiểm tra chất lượng tại ao, vựa. Tôm có tạp chất, có kháng sinh họ vẫn mua, với giá thấp hơn. Phải cấm cả hành vi mua tôm nguyên liệu nhiễm tạp chất, nhiễm kháng sinh thì mới ngăn chặn tình trạng này được” - ông Thao đề xuất.

 Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng, theo Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem