Theo BBC, Balaknama tự hào là tờ báo duy nhất trên thế giới do trẻ em đường phố tạo ra dành cho không chỉ chính các em mà còn cho tất cả những lao động trẻ em đang phải tự bươn chải, kiếm sống.
Tờ báo ra hàng quý, có 8 trang, nội dung tập trung vào các vấn đề trẻ em đang sống và lao động trên đường phố, trong các trang trại, khu mỏ… như thế nào.
Một ấn bản của tờ báo Balaknama (Tiếng nói của Trẻ em).
Các phóng viên của tờ báo chính là trẻ em đường phố hoặc các lao động trẻ em ở Delhi và các bang lân cận. Những phóng viên trẻ em này được giải cứu và đỡ đầu bởi tổ chức phi chính phủ Chetna. Đây là tổ chức chuyên giúp đỡ các trẻ em đường phố và lao động trẻ em ở Ấn Độ.
Hầu hết các phóng viên ở các bang sẽ tường thuật lại nội dung câu chuyện của họ cho các đồng nghiệp làm việc tại trụ sở chính tại Delhi qua điện thoại bởi các em không có điều kiện sử dụng email, hoặc fax.
Một phóng viên tờ báo Balaknama tiếp cận trẻ em đường phố.
Theo ước tính, hơn 10 triệu trẻ em đang sống trên đường phố và bị ép phải lao động tại Ấn Độ.
Chandni, 18 tuổi, một biên tập viên của tờ báo, đang tổ chức họp biên tập để thảo luận cho nội dung của số báo mới. Kể từ khi thiếu nữ này bắt đầu tham gia vào Balaknama cách đây hơn một năm trước, lượng phát hành của tờ báo đã tăng 4.000 lên tới 5.500 bản.
Một cuộc họp biên tập của các phóng viên báo Balaknama
Trước khi trở thành biên tập viên của tờ báo Balaknama, thiếu nữ Chandni từng lang thang biểu diễn trên đường phố và nhặt rác để kiếm sống cùng với cha. Cuộc đời của cô gái nhỏ này là một câu chuyện buồn về sự nghèo đói khiến em phải sớm bước vào cuộc mưu sinh.
Nhờ Chetna, Chandni được đến trường với một khoản trợ cấp nho nhỏ đủ để em không phải đi nhặt rác kiếm sống như trước. Chính tổ chức này cũng đã đào tạo em trở thành một phóng viên, và sau đó, trở thành một biên tập viên.
Trẻ em đường phố Ấn Độ làm báo ngồi họp nội dung cho số báo mới.
“Tôi tự hào về công việc biên tập cho tờ báo này bởi đây là tờ báo duy nhất do trẻ em đường phố tạo ra và dành cho chính trẻ em đường phố. Những trẻ em có tuổi thơ bị đánh cắp, liên tục phải đối mặt với đói khổ, bị lạm dụng và ép phải lao động nặng nhọc giờ đây đang viết về chính cuộc đời và số phận của bạn bè các em – những người đang ở trong cảnh ngộ tương tự”, Chandni chia sẻ.
“Công việc này không chỉ giúp chúng tôi thay đổi bản thân mình mà còn mang lại mục đích sống cho mỗi chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi có thể hoàn thiện mình”, cô biên tập viên Chandni nhấn mạnh.
Phóng viên báo Balaknama tác nghiệp, tiếp cận và phỏng vấn những trẻ em đường phố ở Ấn Độ
Hiện Chandni đang quản lý 14 phóng viên là các trẻ em đường phố ở Delhi và các bang khác như Haryana, Uttar Pradesh và Madhya Pradesh.
Chandni thường tổ chức họp biên tập 2 buổi/tháng để thảo luận về nội dung cho số báo mới. Tờ báo khổ rộng, giá chỉ 2 rupee (686 việt nam đồng), được tổ chức Chetna tài trợ và in ấn, xuất bản. Tờ báo không nhận được sự tài trợ nào từ chính phủ và phải tự tìm quảng cáo để duy trì và phát triển.
Một bé gái cầm đọc một số báo Balaknama
Trong khi đó, một biên tập viên khác của Balaknama là Shanno, 19 tuổi cũng từng có một tuổi thơ dữ dội khi phải bỏ học từ lớp 5 để lao động kiếm tiền. Thiếu nữ này thậm chí còn bị đánh đập thường thuyên bởi người cha nát rượu.
Hiện Shanno vừa làm báo, tập huấn cho các phóng viên vừa học một văn bằng về công tác xã hội và theo đuổi mơ ước trở thành một nhà hoạt động xã hội.
“Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát về trẻ em đường phố và lao động trẻ em ở Delhi hồi tháng 11. Hiện chúng tôi đang theo dõi 1.320 trẻ em đường phố và lao động trẻ em”, Shanno chia sẻ.
Một phóng viên ngồi trước bàn làm việc tại trụ sở chính của báo Balaknama ở Delhi.
Shambhu, người cũng làm việc cho báo Balaknama chia sẻ, cậu bé phải đối mặt với sự cảnh giác, khó chịu, thậm chí bị đe dọa khi tiếp xúc và trò chuyện với những lao động trẻ em đang làm việc trong các nhà hàng, khách sạn bởi những người chủ ở đây.
Trong những trường hợp bị đe dọa quá mức, Shambhu và các phóng viên khác thường cảnh báo sẽ gọi điện báo với đường dây nóng hỗ trợ trẻ em nếu không được tạo điều kiện tác nghiệp
Việc tiếp xúc với những trẻ em đang phải vất vả mưu sinh giúp hình thành mục đích sống cho Chandni (nhỏ), 15 tuổi. Cô bé đã lắng nghe nỗi đau cũng như những câu chuyện kinh hoàng của nhiều lao động trẻ em, rồi viết thành bài đăng trên báo Balaknama. Chandni (nhỏ) được đánh giá là sẽ trở thành biên tập viên kế nhiệm của tờ báo.
“Tôi muốn phát triển tờ báo của chúng tôi. Nó là tiếng nói của tất cả chúng tôi – những trẻ em đang phải vật lộn mưu sinh và sống sót trên đường phố, trong những ngôi nhà xa lạ, các trang trại, nhà hàng đẫm mồ hôi và nước mắt…”, phóng viên nhí Chandni chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.