Tổ kiểm tra tại Bình Định về tận xã 'soi' giờ giấc, thái độ của cán bộ với dân

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 20/06/2023 09:26 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lưu ý, nếu phát hiện cán bộ, công chức vi phạm, không tuân thủ giờ giấc làm việc, có thái độ không đúng giữa chính quyền và người dân…, sẽ công bố với báo chí và có hình thức kỷ luật.
Bình luận 0

Không đẩy vụ việc lên cấp trên

Ông Lê Ngọc An – Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay, Bình Định đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.702/1.737 cán bộ, công chức cấp xã (đạt 97,98% trong tổng số người được triệu tập).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát từng lĩnh vực chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Cập nhật những kiến thức mới và bổ sung những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết công việc ở cơ sở.

"Góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ giải quyết các công việc, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn", ông An nói.

Tổ kiểm tra tại Bình Định về tận xã 'soi' giờ giấc, thái độ của cán bộ với dân - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa rồi Chính phủ chỉ đạo rất sát về việc lập lại đạo đức công vụ, hành xử của cán bộ, công chức viên chức với người dân, doanh nghiệp.

"Chúng tôi nhận thấy, đây là chỉ đạo rất đúng và sát, bằng mọi cách các vụ việc xảy ra đối với người dân và doanh nghiệp, phải được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo, thấu tình đạt lý. Để giảm bớt sự bức xúc người dân ở dưới cơ sở, không đẩy vụ việc lên cấp trên", ông Tuấn cho hay.

Vẫn theo ông Tuấn, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định muốn cơ quan công quyền, đặc biệt chính quyền cấp xã phải làm tốt trách nhiệm của mình với người dân, giải quyết rốt ráo, các vụ việc mà người dân kiến nghị từ cơ sở.

Tiên phong đổi mới, đi trước một số việc

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng và UBND tỉnh Bình Định cũng muốn tiên phong đổi mới, đi trước một số việc. 

Sau khi đào tạo, "cầm tay chỉ việc" cho cán bộ, công chức cấp xã, chính quyền tỉnh Bình Định đã thành lập tổ kiểm tra, về đạo đức công vụ. 

Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh Bình Định sẽ đi xuống tận xã, không báo trước để kiểm tra đạo đức công vụ, công việc hằng ngày của chính quyền xã.

"Để xem chính quyền cấp xã có làm đúng chức năng nhiệm vụ, đúng định hướng của lãnh đạo tỉnh và có giải quyết hết vụ việc, kiến nghị của người dân hay không? Nếu cán bộ nào không tuân thủ giờ giấc làm việc, vi phạm thái độ của chính quyền với người dân, sẽ công bố với báo chí và có hình thức kỷ luật, từ nhắc nhở đến khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách thức. Việc này, chúng tôi đang làm", ông Tuấn nói. 

Tổ kiểm tra tại Bình Định về tận xã 'soi' giờ giấc, thái độ của cán bộ với dân - Ảnh 2.

Bình Định đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.700 cán bộ, công chức cấp xã. Ảnh: SNV.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, nếu làm được những việc trên thì bức xúc của người dân ở dưới cơ sở sẽ giảm dần, kiến nghị chính đáng của người dân được giải quyết kịp thời. 

"Kể cả việc người dân kiến nghị không chính đáng, chính quyền cấp xã cũng phải có cách nói để họ hiểu việc làm không đúng, cần điều chỉnh và thay đổi", ông Tuấn yêu cầu.

Hiện nay, tại Bình Định công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Đến ngày 31/5, tỉnh Bình Định đã giảm 51 phòng và chi cục tương đương so với năm 2015, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, giảm được 152 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (đến nay còn 721 đơn vị).

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt chính sách tinh giản biên chế năm 2023 đối với 36 cán bộ, công chức, viên chức với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem