Tổ quốc trên mỗi con tàu

Thứ ba, ngày 14/06/2011 11:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Duy trì sự có mặt đều khắp và thường xuyên của tàu cá trên biển hiện là giải pháp hữu hiệu để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bình luận 0

Mô hình dân quân kết hợp...

Với ngư dân miền Trung, cơn bão Chanchu (5.2006) là nỗi kinh hoàng nhất trên biển Đông. Hàng chục tàu cá, hàng trăm ngư dân đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Ngay sau đấy là giai đoạn khó khăn nhất của ngành đánh bắt hải sản.

Ngư dân đồng loạt bỏ tàu, bỏ biển, chuyển đổi nghề đánh bắt xa bờ để vào lộng, đánh giã cào ven bờ. Nhưng rồi, như một mưu cầu sinh tồn, ngư dân miền Trung lại dần dần trở lại với nghề truyền thống của cha ông.

img
Tàu ông Thạch chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Hiện toàn quận Thanh Khê có 288 tàu cá, 1.534 lao động trên biển. Trong số này đã có 91 tàu tham gia đánh bắt có tổ đội, với 176 máy thông tin hiện đại được trang bị để thông suốt liên lạc với đất liền. Đặc biệt, có 111 dân quân tự vệ trên những con tàu cá này. Vì vậy, việc ra khơi của những con tàu cá của ngư dân Thanh Khê ít bị tai nạn ngoài khơi.

Ngoài những kênh thông tin riêng (để bảo vệ ngư trường), hiện các tàu cá Đà Nẵng đều sử dụng các kênh liên lạc cùng tần số, luôn nối trực tiếp với Bộ đội Biên phòng. Bởi vậy, những chỉ đạo trực tiếp từ chính quyền, quân đội, Ban phòng chống lụt bão... đến với ngư dân rất kịp thời. Ngược lại, ngư dân cũng cung cấp tình hình ngoài biển Đông cho đất liền một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Một trong những "ngư dân ưu tú", có nhiều thành tích trong phong trào quân dân phối kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo là thuyền trưởng Lê Văn Chiến của tàu ĐNa- 90351.

Nói về ông Chiến, đại úy Ngô Thiên Phan - Trạm trưởng Trạm biên phòng Thanh Hà thuộc Đồn Biên phòng 248 cho biết: "Không những là ngư dân giỏi, luôn mang về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển, ông Chiến còn là một chiến sĩ đúng nghĩa trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo VN".

Theo đó, đội tàu của ông Chiến luôn cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng, kịp thời và chính xác, thông báo việc có tàu Trung Quốc xâm lấn vùng lãnh hải, thông tin về tàu cá VN bị tai nạn, bị tấn công trấn cướp... Ông Chiến được rất nhiều bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố, Bộ Chỉ huy Biên phòng TP.Đà Nẵng... Đặc biệt, năm 2010, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày biên phòng toàn dân, ông Chiến nhận được bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng VN.

Sống chết với biển khơi

Thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90271 - Nguyễn Đức Thạch ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê tiếp chúng tôi trước giờ xuất bến, chuẩn bị cho chuyến ra khơi thứ 4 kể từ đầu năm. Ông Thạch tỏ rõ tư cách "đàn anh" với bạn tàu, cứng rắn khi nói đến quyết tâm ra khơi "mùa biển nóng": "Biển mình thì mình cứ đánh bắt, không đối đầu được với tàu Trung Quốc thì mình né tránh. Không vì việc xuất hiện ngày càng đông tàu của Trung Quốc mà mình lại bỏ biển ngay mùa đánh bắt chính được”.

Mỗi con tàu cá là một cột mốc ngoài biển khơi, mỗi ngư dân là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, họ cần được nhiều sự hỗ trợ từ đất liền để duy trì việc bám biển.

Ông Thạch kể, trong cơn bão cuối năm 2007, tàu ông cùng với 13 tàu cá khác của Đà Nẵng phải vào neo trú tại Hoàng Sa trong 7 ngày. Lúc đó, bão đã cận kề và di chuyển với tốc độ khá nhanh, chúng tôi chỉ còn con đường an toàn nhất là vào trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lần ấy, thuyền trưởng Lê Văn Chiến - tàu ĐNa- 90351 đã điện đàm về Bộ chỉ huy Biên phòng, đề nghị can thiệp cho ngư dân mình vào trú bão. Ban đầu, chúng tôi bị uy hiếp bằng súng đạn, nhưng khi có ý kiến từ Bộ Ngoại giao VN, họ mới "lùa" 14 tàu chúng tôi vào âu thuyền nhân tạo.

Tại đó, chúng tôi bị tịch thu mọi phương tiện liên lạc, cấm đi lại giữa các tàu. Suốt 7 ngày trong bão dữ, ngư dân VN chỉ được ngồi co cụm lại thành nhóm trên boong tàu. Trên bờ, họ dựng giàn đèn cao áp, pha thẳng xuống đoàn tàu cùng hàng rào lính canh gác 24/24 giờ. Ngoài giờ ăn, còn lại chúng tôi đều phải gác hai tay trên đầu cho họ giám sát.

Nhưng điều bức xúc nhất là khi bão tan, mình xin phép rời đảo để về thì bị lính Trung Quốc áp đặt, buộc ký vào biên bản được ghi là "tờ sám hối". Nội dung bịa đặt trắng trợn là tàu chúng tôi đã xâm phạm lãnh thổ của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Họ xướng tên từng ngư dân rồi bắt thuyền trưởng hô, thuyền viên đồng thanh đáp những câu "sám hối" ghi sẵn ấy để họ ghi âm, ghi hình và chụp ảnh làm tư liệu.

Chúng tôi chỉ mong ra khơi mà có được sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và cả Hải quân VN để bà con yên tâm khai thác. Sự có mặt của các lực lượng này còn giúp giải cứu ngư dân mình khi bị tàu Trung Quốc bắt, cướp. Hơn thế nữa là không bị họ ép ký vào những biên bản soạn sẵn, áp đặt cho rằng ngư dân VN đã xâm phạm lãnh hải của họ. Nếu chúng tôi không ra khơi với lá cờ Tổ quốc phấp phới trên nóc tàu, thì không chỉ kinh tế gia đình lâm vào bế tắc mà vùng biển của mình tràn màu cờ Trung Quốc.

-----------------

Bài 3: Về từ vùng biển nóng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem