"Tô son điểm phấn" cho cây cảnh, nhiều nông dân trở thành tỷ phú

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 13/05/2019 19:00 PM (GMT+7)
Sáng nay, 13.5 Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (SVCVN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1989 –2019). Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận T.Ư, MTTQ Việt Nam... cùng hơn 200 cán bộ, hội viên Hội SVC Việt Nam. Đọc báo cáo của Hội mới thấy, nghề "làm đẹp", "tô son trát phấn" cho cây đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú.
Bình luận 0

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hữu Vạn, Nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam cho biết, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam được thành lập vào năm 1989, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường.

img

Ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: NQ

Tôn chỉ mục đích của Hội là tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Hội lấy hoạt động trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hoạt động Sinh Vật Cảnh...

img

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: NQ

Từ hơn 1000 thành viên ban đầu, trải qua 30 năm hoạt động và 6 kỳ Đại hội, đến nay Hội SVCVN đã có 57 Hội thành viên các tỉnh, thành. Tổ chức Hội cơ sở có từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền núi, thành thị đến nông thôn với hơn 6.000 tổ chức hội cơ sở; trên 400 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 6.062 xã, phường, thị trấn có Hội SVC, với trên 350.000 hội viên; hơn 4.600 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hơn 11.000 nhà vườn, 46 làng nghề SVC được Nhà nước công nhận.

Hình thức hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sản xuất, trao đổi sinh vật cảnh. Hoạt động sinh vật cảnh diễn ra ngày một thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú (Hội chợ, trưng bày, triển lãm...). Ngày nay, sinh vật cảnh đã trở thành một mỹ tục, một phong trào ở khắp mọi vùng, miền, trở thành món ăn tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng phát triển, hàng trăm làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống được khôi phục, hình thành nhiều cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh với nhiều loại sản phẩm giá trị cao hàng tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng/sản phẩm và có xu hướng phát triển rộng với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Một số mặt hàng Sinh vật cảnh đã được xuất khẩu và tăng mạnh về số lượng.

Các vùng phụ cận của Tp Hà Nội, TP HCM và Lâm Đồng đã hình thành nên các trung tâm sản xuất Sinh vật cảnh lớn, các Hợp tác xã, doanh nghiệp SVC đầu tư công nghệ cao, đem lại nguồn thu và làm giàu cho người sản xuất. Cụ thể theo Bộ Công thương, chỉ tính riêng hoa tươi cắt cành, hàng năm cả nước có khoảng 11.000 ha, với hơn 1 tỉ cành/năm, trong đó đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp...vv

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường quan tâm và đánh giá cao các hoạt động của Hội SVC Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua. Ảnh: NQ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên, Việt Nam là quốc gia đang có rất nhiều dư địa và cơ hội để phát triển các mặt hàng Sinh vật cảnh. Mặc dù số lượng, sản lượng, diện tích không lớn, tuy nhiên đây lại là nhóm mặt hàng đem lại giá trị rất lớn.

Không chỉ được đánh giá cao về khía cạnh kinh tế, ngành nghề, Hội SVC Việt Nam nhận được sự đánh giá cao từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về khía cạnh nhân văn khi đã góp phần tích cực vào sự thành công của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, góp phần xóa đói, giảm nghèo; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tham gia chỉnh trang đô thị, làm đẹp cảnh quan...

Đơn cử như xã Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã trồng trên 6.000 cây bóng mát hai bên đường liên thôn, bờ sông, bờ ngòi, đường đồng hay thôn Lỗ Xá (Hưng Yên) trồng hàng nghìn cây xanh tỏa bóng mát.

img

img

Hội SVC Việt Nam vinh dự nhận bằng khen của Bộ NN&PTNT và tôn vinh những cá nhân/tập thể có thành tích trong phong trào Hội. Ảnh: NQ

Ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết, để phát triển bền vững, trong những năm qua Hội SVC đã chú trọng công tác vận động tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực; từng bước tham gia các hoạt động đối ngoại, giao lưu, phối hợp trưng bày, triển lãm cây cảnh, hoa cảnh, gỗ lũa nghệ thuật...

Sau 30 năm, Hội SVC Việt Nam bước sang một chặng đường mới với tràn đầy năng lượng, kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tác động của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước và môi trường...

Trong thời gian tới, Hội SVCVN tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, đồng thời kiện toàn, đào tạo đội ngũ lãnh đạo trẻ, giầu tâm huyết, trí tuệ và tay nghề, có thể đưa Hội SVC Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem