Kết quả biểu quyết của Quốc hội (ảnh PV).
Phát biểu sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, với 469 đại biểu có mặt đã tán thành, chiếm tỷ lệ 96,70%, như vậy Quốc hội đã nhất trí rất cao với tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP (trình Quốc hội ngày 2.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 5.11).
Chiều nay, trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đa số các vị ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới.
Có ý kiến cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Ủy ban TVQH cho rằng: Căn cứ Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu ý dân chỉ do Ủy ban TVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.
“Uỷ ban TVQH nhận thấy các ý kiến của các vị đại biểu là xác đáng. Theo báo cáo của Chính phủ, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, đa số ĐBQH nhất trí về đề nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/ nhóm cam kết của Hiệp định CPTPP theo hồ sơ trình của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.