Năm 2000, ông Phạm Đức Bình bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 30 tháng tù về 2 tội “tham ô và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau khi ông Bình gửi đơn kháng cáo kêu oan, đến năm 2001, TAND Tối cao đã xử phiên phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, tuyên ông Bình không phạm tội “tham ô và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”, đình chỉ vụ án hình sự.
Địa điểm ghi trong giấy mời là không đúng quy định pháp luật (ảnh nhỏ) và ông Phạm Đức Bình (ảnh lớn).
Trở thành người vô tội, ông Bình bắt đầu hành trình yêu cầu bồi thường do bị kết án oan. Đến tháng 10.2006, ông Bình nhận được thông báo của TAND Tối cao rằng ông thuộc trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị liên hệ với TAND TP.Hà Nội để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặc dù sự việc đã rõ ràng nhưng tính đến nay đã gần 8 năm, người đàn ông bị án oan phải mỏi mòn chờ TAND TP.Hà Nội giải quyết.
Tháng 7.2007, Ban Thanh tra - TAND Tối cao nhận được đơn khiếu nại của ông Phạm Đức Bình với nội dung chưa được TAND TP.Hà Nội giải quyết xin lỗi, bồi thường do bị án oan. Ban thanh tra đã gửi đơn của công dân để giải quyết theo thẩm quyền. Thấy đơn yêu cầu của mình không có hồi âm, ông Bình tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng T.Ư. Trong năm 2009, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước lần lượt có công văn gửi chánh án TAND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết trường hợp của ông Phạm Đức Bình, thế nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Theo Thông tư liên tịch (số 04/2006) hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388 thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhận đơn, các giấy tờ tài liệu kèm theo đơn và ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành thương lượng với người bị oan hoặc thân nhân của họ về việc bồi thường thiệt hại. Khi tiến hành thương lượng phải lập biên bản ghi lại đầy đủ diễn biến quá trình thương lượng. Trong trường hợp thương lượng thành, thì chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản thương lượng thành thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải ra quyết định bồi thường thiệt hại. Người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại lập biên bản về việc thương lượng bồi thường thiệt hại không thành.
Đến tháng 3.2013, ông Bình mới nhận được giấy mời của TAND TP.Hà Nội đến trụ sở để giải quyết đề nghị bồi thường. Sau buổi làm việc, phải gần 1 năm sau đến ngày 7.3.2014, TAND TP.Hà Nội mới có giấy mời ông Phạm Đức Bình ngày 13.3.2014, đến trụ sở tòa để dự buổi xin lỗi.
Không chỉ vi phạm về mặt thời gian giải quyết bồi thường án oan sai cho công dân, TAND TP.Hà Nội còn vi phạm về địa điểm tổ chức xin lỗi. Theo quy định của Nghị quyết 388, đến nay có Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì việc tổ chức xin lỗi công khai được tổ chức ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại, có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên. Do vi phạm về địa điểm nên buổi tổ chức xin lỗi đã bị hủy. Theo ông Bình thì đại diện của TAND TP.Hà Nội đang liên hệ với chính quyền phường Lý Thái Tổ nơi ông sinh sống để tổ chức buổi xin lỗi. Dự kiến trong tháng 4.2014, buổi xin lỗi sẽ được tổ chức.
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.