Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng

Nhóm P.V Thứ ba, ngày 23/07/2024 10:55 AM (GMT+7)
Sáng 23/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm: Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để sầu riêng Việt Nam tận dụng được lợi thế, chiếm lĩnh được thị trường, phát triển bền vững.
Bình luận 0

Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT; ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ NNPTNT); bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech; ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (tham gia trực tuyến); ông Nguyễn Thế Tùng – Trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) (tham gia trực tuyến).

Năm 2023, ngành hàng rau củ quả đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục, trong đó có sự đóng góp rất lớn của mặt hàng sầu riêng với kim ngạch 2,3 tỷ USD. Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng năm 2024  sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng bên cạnh cơ hội, còn nhiều thách thức rủi ro trong chuỗi sản xuất sản phẩm tỷ đô này. 

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng- Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự tọa đàm về xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: D.V.

Trên cơ sở đó, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cơ hội nào cho Nông dân, Doanh nghiệp" để cùng các cơ quan chức năng, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đưa ra những góp ý, kiến nghị để phát triển bền vững ngành hàng này.

Triển vọng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh rất lớn 

Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha. Như vậy có thể thấy diện tích trồng sầu riêng còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành sầu riêng. Nhưng việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc. Sản xuất nhỏ lẻ sầu riêng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. 

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho rằng đã đến lúc cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, hơn là phát triển diện tích trồng ồ ạt. Ảnh DV.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao. Còn đối với các nguy cơ, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có những cảnh báo trong thời gian vừa qua tại một hội thảo ở TP.Hồ Chí Minh", ông Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của  các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh.

Về việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, theo ông Hiếu, đầu tiên sản phẩm này giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản.

Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài. 

"Bộ NNPTNT cũng đã sớm đưa vào đám phán nội dung này với phía Trung Quốc. Chúng ta đã đưa vào trong dự thảo, điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong công nghệ chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía bên Trung Quốc xem xét các nội dung này. Tôi kỳ vọng các điều khoản này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, lúc đó xuất khẩu sản phẩm sầu riêng có nhiều cơ hội tăng lên", ông Hiếu thông tin.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp (6 loài); thu hái đúng độ chín, đảm bảo chất lượng; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. 

"Doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư, trong đó tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm và các đối tương kiểm dịch, tuân thủ yêu cầu quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và các yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch", ông Nam nói..

Kiểm soát việc cắt sầu riêng non

Tham gia tọa đàm từ đầu cầu trực tuyến, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam khoảng trên 3 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 40%. Theo ông Nguyên, nếu Việt Nam chưa xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD/năm sẽ rất khó đạt được. 

Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. 

Ông Nguyên cho rằng, việc cắt sầu riêng non làm ảnh hưởng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt, bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, khi nào đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu. 

“Nói chung làm gì thì làm, đòi hỏi chất lượng là quan trọng nhất”, ông Nguyên nói. Theo ông Nguyên, Hiệp hội không có phương tiện để kiểm tra, bởi vậy chỉ có khuyến cáo các hội viên, đăng thông tin của cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên biết, từ đó tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc BVTV.

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng- Ảnh 4.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Kiến nghị thiết lập đường dây nóng thông báo gian lận mã số

Bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech cho biết, Trung Quốc là thị trường chính của trái cây tươi Việt Nam, trong đó có trái sầu riêng. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Mến cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng (SVT) – mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) để việc cấp và quản lý mã SVT, CSĐG thuận lợi, rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu và có căn cứ pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này. 

Trong thời gian qua, khi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT một số địa phương vẫn còn lúng túng trong vấn đề giải quyết hồ sơ xin cấp mã số, theo tôi thì địa phương phải có hướng dẫn tạm thời, quy định thời gian nhận – trả kết quả như một thủ tục hành chính để đẩy nhanh công tác xác minh tại địa phương, trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể thúc đẩy nhanh tiến độ làm việc với nước bạn, đánh giá trước mỗi vụ thu hoạch. 

Khi hợp tác xã, doanh nghiệp phát hiện MSVT/CSĐG của mình bị sử dụng khi chưa có sự cho phép thì cần phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng bằng văn bản để các bên kịp thời phối hợp, ngăn chặn nguy cơ gian lận mã số. 

Đồng thời tôi cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật thiết lập một đường dây nóng để doanh nghiệp (DN) có thể phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu gian lận mã số. Song song với đó, cần tăng cường công tác tập huấn/hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp, có thể phối hợp, xã hội hóa các DN tư vấn độc lập như SUTECH để thực hiện công tác đó, bản thân SUTECH cũng đang triển khai đến từng doanh nghiệp theo chương trình kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam, chúng tôi cũng đã làm rất nhiều hội nghị tư vấn quy định thị trường xuất khẩu như Cần Thơ chúng tôi làm về sầu riêng, Bình Thuận chúng tôi làm về thanh long, Hà Tĩnh chúng tôi làm về thủy sản.

Ông Nguyễn Thế Tùng – Trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) cho hay, đầu tiên bà con cần phải quan tâm đến giống và chúng ta cần có những văn bản cụ thể cho người làm giống. 

"Tôi đánh giá việc nguồn gốc giống rất là quan trọng. Tôi cũng biết rằng, hiện nay có giống sầu riêng của Malaysia yêu cầu về kỹ thuật cao hơn. Việt Nam trồng được loại giống này cũng cần phải đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Sau đó, đến với người trồng, người trồng cần tuân thủ trên mã số vùng trồng, rồi những quy định Cục Bảo vệ thực vật đưa ra. 

Tất cả những điều đó mang lại lợi ích cho người trồng, đảm bảo chất lượng, giảm được đủ rủi ro. Đối với việc mua bán, đối với các thương lái, cần tuân thủ quy định, tuân thủ các tiêu chuẩn ISO. Làm sao cần phải đồng bộ, truy xuất minh bạch rõ nguồn gốc", ông Tùng cho biết. 

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng- Ảnh 5.

Bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech.

Quan tâm đến chất lượng người làm trái sầu riêng

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”. 

Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ triển khai Quyết định số 534/QĐ-TTg. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan như: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan; Nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực thực thi SPS cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm dịch và các đối tượng liên quan; Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đặc biệt là các văn bản ngành nông nghiệp nhằm hoàn thiện, cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có); Tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh; Xây dựng các mô hình khoa học ứng dụng công nghệ để kiểm soát sinh vật gây hại; xây dựng các mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh, canh tác giảm thiểu phát thải khí nhà kính…

Trái sầu siêng như chúng ta đang bàn sẽ là một trong những sản phẩm nông sản được quan tâm trong kế hoạch triển khai Đề án. Bên cạnh đó, theo tôi, cần quan tâm đến đào tạo, nâng cao năng lực cho địa phương, các DN, HTX và các bên liên quan. 

Nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng trái sầu riêng mà không quan tâm đến người sản xuất trái sầu riêng thì chắc chúng ta sẽ không có được trái sầu riêng đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo, tập huấn để chuyên nghiệp trong sản xuất trái sầu riêng vô cùng quan trọng. 

Như ý kiến của các chuyên gia, nếu mình sản xuất sầu riêng đông lạnh mà không có công nghệ thì không ổn, sẽ không đạt được kết quả đó. Hiện nay, rất nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra để bảo quản không chỉ sầu riêng mà còn nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm khác.

Đối với mặt hàng sầu riêng, đúng là chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc, giống, vùng trồng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tôi lấy ví dụ rất thực tiễn, người nhà tôi trong Gia Lai vô tư chặt cà phê để trồng sầu riêng trong khi chưa nắm rõ kỹ thuật, công nghệ chỉ vì thấy nhà hàng xóm trồng được mình cũng trồng. Tôi cho rằng đây chưa phải là cách làm hay, bởi họ cần phải am hiểu về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn gốc vùng trồng.Do vậy, việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho bà con rất cần thiết. Muốn vậy, phải chuẩn hóa cho bà con ngay từ đầu vào và trong cả quá trình sản xuất, xuất khẩu. Phải có cơ chế giám sát, đồng quản lý cho cả chuỗi sản xuất từ người thu mua, thương lái đến người trồng sầu riêng. 

“Chúng ta phải bỏ tư duy ăn xổi, mỗi bên trong chuỗi sản xuất cần giảm lợi ích đi một chút thì mới phát triển bền vững được”, ông Nam nhấn mạnh.

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cần quan tâm đến chất lượng, nâng cao năng lực cho người làm ra trái sầu riêng- Ảnh 6.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cần quan tâm đào tạo, tập huấn cho các nhà vườn, thương lái thu mua sầu riêng.

Cần hơn nữa sự vào cuộc chủ động của các địa phương trong giám sát mã số vùng trồng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, để sản xuất sầu riêng bền vững, đầu tiên phải chú ý tới giống, nguồn nước. 

"Trung Quốc và các nước khác họ cũng trồng theo hướng hữu cơ, chúng ta cũng cần sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để có được thị trường lâu dài. 

Quản lý chất lượng, muốn quản lý được phải có tiêu chuẩn cụ thể, sầu riêng cũng vậy, phải nhanh chóng xây dựng áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, hàng sầu riêng đông lạnh ra sao, hàng sầu riêng tươi như nào, hàng sầu riêng sấy sẽ như thế nào. 

Ở Thái Lan họ cũng đã có những tiêu chuẩn riêng.  Họ cũng tổ chức kiểm tra chất lượng trước khi cho thương lái thu mua, quy định vùng này đến ngày nào mới đạt chất lượng, mới được phép thu mua. 

Chính vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân cùng quan tâm đến những vấn đề này", ông Nguyên đề nghị. 

Để xuất khẩu sầu riêng bền vững, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, ngoài câu chuyện đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phố biến kiến thức cần thiết khi tham gia chuỗi sầu riêng, Cục BVTV cho rằng, cần cơ chế chính sách để khuyến khích sự liên kết, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, không liên kết thì sẽ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, giảm sức cạnh tranh, ứng dụng KHCN; chính sách để hỗ trợ liên kết, doanh nghiệp dẫn dẵn về kỹ thuật, cơ chế chính sách để hỗ trợ các đơn vị có trách nhiệm tuân thủ.

Ngoài cơ quan Trung ương, các địa phương cũng phải ưu tiên dành nguồn lực để duy trì MSVT; sự chủ động của địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm, để vừa có tính răn đe, loại bỏ nguy cơ ra khỏi chuỗi xuất khẩu; khuyến khích các nhà vườn, cơ sở đóng gói hãy tập thói quen ghi chép, sau đó ứng dụng phần mềm để quản lý.

Cần có chính sách hỗ trợ cho việc liên kết, doanh nghiệp phải là người dẫn dắt về mặt thị trường. Và chúng ta cần phải có hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cần tăng kiểm tra giám sát. 

"Ngoài Cục Bảo vệ thực vật, tôi mong muốn các địa phương khi cấp mã số vùng trồng thì cần phải có nguồn lực để duy trì mã số đó. Việc này cũng đã có phân cấp phân quyền thì địa phương có thể chủ động xử lý trong thẩm quyền để có tính răn đe, cũng như việc ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững của ngành sầu riêng. 

Các nhà vườn cần tập thói quen ghi chép, sau đó đến ứng dụng công nghệ. Bởi càng ngày việc truy xuất nguồn gốc càng quan trọng. Việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ sở cho việc phát triển nghành sầu riêng bền vững", ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.

Xuất khẩu sầu riêng bắt đầu có sự tăng trưởng khởi sắc từ năm 2022 với kim ngạch đạt gần 421 triệu USD và đột phá trong năm 2023 với gần 2,3 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, sản lượng hơn 543.000 tấn. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 96% sản lượng và 96,8% kim ngạch xuất khẩu.

6 tháng đầu năm 2024, vùng trồng sầu riêng ở ĐBSCL đã xuất khẩu được hơn 1,5 tỷ USD. Dự kiến, 6 tháng cuối năm sản lượng sầu riêng ở Tây Nguyên có kim ngạch cao hơn, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Về diện tích vùng trồng, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha. Tuy nhiên, trong cơn sốt giá sầu riêng, diện tích loại trái cây này đã lên đến 112.000ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem