Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng, vì sao doanh nghiệp ở Đồng Nai buồn nhiều hơn vui?

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 07/06/2024 16:23 PM (GMT+7)
Việc thương lái và doanh nghiệp tranh mua tranh bán sầu riêng dẫn tới tình trạng nâng giá, giảm chất lượng. Giá sầu riêng tăng cao thời gian qua khiến doanh nghiệp thu mua sầu riêng ở Đồng Nai buồn nhiều hơn vui.
Bình luận 0

Đây là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, đại biểu tại hội nghị Phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở NNPTNT tổ chức ngày 7/6.

Giá sầu riêng biến động như... chứng khoán

Hưởng lợi từ Nghị định thư ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong quý I/2024 ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Hội nghị Phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị Phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thế nhưng, ông Trương A Vùng – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng trong quý I vừa qua lại đi ngược với kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng.

Theo ông Vùng, từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng được thu mua duy trì ở mức cao. Trong quý I, giá sầu riêng Dona luôn duy trì trên 130.000 đồng/kg; và 110.000 đồng/kg đối với Ri 6.

"Nông dân được hưởng lợi từ giá sầu riêng tăng cao nhưng doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu lại buồn nhiều hơn vui", ông Vùng nói.

Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành thua lỗ thời gian qua, nguyên do chủ yếu đến từ 2 yếu tố: Giá và chất lượng.

Nông dân Đồng Nai thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân Đồng Nai thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Vùng kể, các doanh nghiệp luôn cạnh tranh nhau về giá để đặt cọc cho nhà vườn. Điều này dẫn đến giá thu mua sầu riêng biến động mạnh. Trong 1 ngày, giá sầu riêng có thể tăng lên 20.000-30.000 đồng/kg. Thương nhân theo dõi giá sầu riêng hồi hộp hơn xem thị trường chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua theo thị trường. Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp thua lỗ, phá vỡ hợp đồng, hoặc giảm chất lượng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu.

"Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam luôn bị đánh giá thấp cả về mặt giá trị cũng như chất lượng so với sầu riêng Thái Lan", ông Vùng nhận xét.

Ngành hàng sầu riêng Đồng Nai chưa bền vững

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, Đồng Nai hiện có hơn 12.654ha sầu riêng. Dona và Ri6 là 2 giống sầu riêng chủ lực, chiếm 95% diện tích sầu riêng toàn tỉnh.

Doanh nghiệp tổ chức thu mua sầu riêng tại Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp tổ chức thu mua sầu riêng tại Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đến nay, Sở NNPTNT đã phối hợp giám sát 40 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và 10 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Từ tháng 9/2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi 3 văn bản về cảnh báo của thị trường Trung Quốc đối với 8 mã số vùng trồng và 4 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 18/3, Đồng Nai cũng nhận được văn bản của Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo về việc truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc.

Thời gian qua, giá sầu riêng tăng cao, nông dân vui nhưng doanh nghiệp buồn. Khách hàng mua sầu riêng tại 1 siêu thị ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thời gian qua, giá sầu riêng tăng cao, nông dân vui nhưng doanh nghiệp buồn. Khách hàng mua sầu riêng tại 1 siêu thị ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có diện tích sầu riêng lớn nhưng chỉ có hơn 10% được cấp mã vùng trồng.

Nghĩa là mới có số lượng rất nhỏ nông dân đang canh tác theo quy trình tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu. Số lượng lớn còn lại vẫn đang canh tác manh mún, nhỏ lẻ.

Đồng Nai có 10 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu, nhưng quá trình triển khai từ sản xuất, tiêu thụ còn bất cập. Nhiều chuỗi liên kết bị phá vỡ cũng do vấn đề giá.

Ông Phi đề nghị: "Doanh nghiệp và nông dân cần chia sẻ với nhau nhiều hơn để có thể "đi chung một thuyền; cùng tuân thủ luật chơi chung để giúp ngành hàng sầu riêng Đồng Nai có chất lượng, thương hiệu và lợi thế cạnh tranh tốt hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem