Toả hương trên đất Pháp

TS Trần Thu Dung (Pháp) Thứ năm, ngày 15/02/2024 06:55 AM (GMT+7)
Người Việt có mặt ở Pháp từ đầu thế chiến thứ nhất. Đầu thế chiến thứ nhất, lần đầu tiên Pháp mộ hơn 100.000 lính thợ và thế chiến thứ 2, những năm 1939-1940, tuyển 20.000 người. Tất cả chủ yếu gốc nông dân nghèo. Nhiều người sau đó đã thành công trong nhiều lĩnh vực…
Bình luận 0

Nông nghiệp: Gần 500 nông dân Việt làm nên vựa lúa Pháp…

Nông nghiệp Pháp chủ yếu trồng nho, ngũ cốc, và rau củ. Ít ai ngờ Pháp cũng là nơi cung cấp gạo đi khắp châu Âu. Vựa lúa Camargue nổi tiếng. Khu này nay có bảo tàng lúa và tổ chức lễ hội lúa hàng năm thu hút khách du lịch. Đó chính nhờ vào kinh nghiệm trồng lúa nước và sự cần cù của những người nông dân Việt sang cứu đói cho Pháp năm 1939-1940. Trước kia nơi đây là một vùng đất nước lợ bỏ hoang không canh tác. Người Pháp đã thất bại khi thử trồng nho, lúa mạch. Pháp đã điều động đội quân gần 500 nông dân Việt đến đây.

Dù khổ cực, bất đồng ngôn ngữ, sống trong điều kiện thiếu thốn, xa quê hương, những anh "Hai lúa" ngày đêm chăm lo biến vùng nước lợ thành một vùng lúa xanh bát ngát. Hơn 30 năm sau, nhà báo Pierre Daum đã phanh phui sự thật về sự bóc lột và quên công lao của những người nông dân ấy. Sau vụ báo chí Pháp đưa tin, họa sĩ Lê Bá Đảng - cũng là một người lính thợ - đã được mời đến làm tượng đài kỷ niệm những người Việt lao động nơi đây.

Toả hương trên đất Pháp- Ảnh 1.

Những người Việt được đặt tên đường ở Pháp

Chính quyền Pháp đã vinh danh những người Việt góp phần thành công cho nước Pháp trên mọi lĩnh vực, bằng việc đặt tên đường phố.

Ở TP.Montpellier có phố Nguyễn Phùng Maxilien - tên con trai của nhà báo nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Ông được vinh danh vì có công đóng góp cho thành phố này. Giữa Paris có quảng trường Đỗ Hữu Vị - phi công gốc Việt đầu tiên được đào tạo và đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phát xít.

Vua Duy Tân từng bị thực dân Pháp đi đày ở đảo Réunion, sau tham gia trong quân đội Pháp chống phát xít, cũng được vinh danh và có tên ở đảo Réunion.

Ở Corse, thành phố này cảm ơn ông Hứa Bổn Hỏa đã đóng góp xây đường phố bằng cách đặt tên một con đường mang tên ông, cũng như ở Tân Đảo (thuộc Pháp) cũng có đường mang tên người Việt là "Đặng".

Nghệ thuật

Người Việt ra nước ngoài sinh sống cũng phải bươn chải, và vấp phải rào cản ngôn ngữ. Hội họa và âm nhạc không bị vấn đề ngôn ngữ những để được đào tạo bài bản và thành tài không đơn giản. Ở đất Pháp, nơi bao nhiêu người tài giỏi tụ hội, nhất là Paris - thành phố ánh sáng, để tỏa sáng và được giới hội họa âm nhạc thừa nhận rất khó.

Họa sĩ Lê Bá Đảng từ một người đi lính thợ sang Pháp năm 1939-1940, vật lộn kế sinh nhai ban đầu, tự học, đã trở thành họa sĩ có tên tuổi.

Mai Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lưu nhưng họa sĩ học từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, qua Pháp vẫn tiếp tục hành nghề. Ngày nay tranh của Mai Thứ, Lê Phổ vẽ tại Pháp với những thiếu nữ Việt Nam, đồng quê… thu hút được giới chơi tranh, có bức bán đấu giá lên gần triệu euro.

Tranh Mai Thứ còn được phóng to in, đưa trưng bày ở trước ga Lyon ở thủ đô Paris - nơi tấp nập người qua lại và TP.Macron - nơi ông từng sống - đã vinh danh ông.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002), người gốc Huế thành danh trên đất Pháp, từng tốt nghiệp nha khoa ở Pháp, nhưng điêu khắc đã cuốn hút bà. Tên bà được ghi nhận trong từ điển Larousse. Trước khi mất bà đã tặng toàn bộ tác phẩm cho TP.Huế nơi bà sinh ra.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (1940-2015), người Pháp gốc Việt thuộc dòng Nhạc đương đại. 13 tuổi, ông qua Pháp học nhạc. Ông trở thành một nhạc sĩ và một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông được ghi danh vào từ điển Le Petit Larousse (1982), Le Petit Robert (1995) là 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp. Ông được vinh danh là "Nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông - Tây vô cùng độc đáo". Năm 1983, ông đoạt Giải thưởng "André Caplet" của Hàn lâm viên Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cống hiến năm 1984. Năm 1995, ông được trao giải thưởng Gian Carlo Menoti.

Trong giới nhạc, mọi người ở Pháp, Việt Nam và nhiều nước đều biết đến nhạc sĩ Trần Văn Khê (1921-2015), một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam nổi tiếng. Ông từng tham gia giảng dạy tại Đại học Sorbonne, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc quốc tế, UNESCO. Ông có công trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đội ngũ khoa học

Người Pháp gốc Việt đã góp công góp sức rất nhiều trong lĩnh vực y tế Pháp, đội ngũ bác sĩ, dược sĩ gốc Việt rất đông đảo ở Pháp và được tín nhiệm.

Đinh Xuân Anh Tuấn (SN 1958) - bác sĩ đã đoạt nhiều giải về y học từng phụ trách khoa phục hồi chức năng ở bệnh viện Cochin Paris và tham gia giảng dạy ở một số trường đại học y. Ông đoạt nhiều giải thưởng: 1990 - Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ, Giải thưởng thường niên của Trường Cao đẳng Angiology Mỹ, Atlanta, Mỹ; 1997 - Giải thưởng Nghiên cứu lâm sàng, Quỹ Nghiên cứu y học, Paris, Pháp ; 2000 - Giải thưởng Khoa học y khoa xuất sắc, Quỹ Nghiên cứu y khoa người Mỹ gốc Việt, Los Angeles, Mỹ.

Cũng phải kể đội ngũ giáo sư gốc Việt tham gia trên các giảng đường đại học Pháp, hướng dẫn nhiều sinh viên Pháp như GS Nguyễn Quý Đạo; Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn thành công và dạy đại học ở Mỹ, song ông là nhà văn hóa Pháp, học trường Pháp.

Ngô Bảo Châu sinh ra ở Việt Nam, sang Pháp du học, và trở thành giáo sư toán của Đại học Chicago, là một nhà toán học Pháp-Việt nổi tiếng với chứng minh bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu. Nhờ chứng minh này mà ông đạt Huy chương Fields năm 2010. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đạt được thành tựu này. Ông cũng là một trong số ít người Việt Nam hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế ở Australia năm 1988 và CHLB Đức năm 1989...

Lĩnh vực kinh doanh

Tỷ phú Hoàng Chúc - nhà kinh doanh nổi tiếng tại Pháp, từng gây ấn tượng mạnh tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông từng nổi tiếng khắp nước Pháp về "dự định mua lại tháp Eiffel" được báo chí Pháp nhắc đến. Theo truyền thông Pháp, với tổng giá trị tài sản khoảng 290 triệu euro, ông Hoàng Chúc có tên trong danh sách 200 người giàu nhất nước Pháp, ông còn có trong tay khoảng 40 công ty.

Là người gốc Thái Bình, ông Chúc sang Pháp từ năm 1961. Ông tốt nghiệp trường Bách khoa của Pháp vào năm 1969. Khi Bảo tàng Cernusi (chuyên về Đông Nam Á) cần vốn để trùng tu cổ vật, nhiều hội đoàn người Pháp gốc Việt kêu gọi cộng đồng ủng hộ, ông Chúc đã tuyên bố: tất cả mọi người cứ quyên góp đi, được bao nhiêu tôi sẽ tặng phần bằng chừng ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem