Tòa nhà Dinh Thượng Thơ gần 160 năm tuổi cần được giữ nguyên trạng

Phương Thảo Thứ sáu, ngày 28/09/2018 14:21 PM (GMT+7)
Đó là kiến nghị của đại đa số ý kiến của chuyên gia, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư… tham dự hội thảo về “số phận” tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM (hiện là trụ sở của Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Công thương TP mà người dân quen gọi là Dinh Thượng Thơ) diễn ra vào sáng 28.9 tại Trung tâm hội nghị TP.HCM.
Bình luận 0

img

Công trình cổ mang nhiều giá trị

Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những công trình do người Pháp xây dựng đầu tiên khi đặt chân tới Sài Gòn vào những năm 1860, xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp. Tòa nhà nằm trong quần thể công trình hành chính điều hành cho Sài Sòn - Gia Định và Nam kỳ Lục tỉnh; là nơi điều hành các chính sách cai trị và xây dựng đô thị ở Miền Nam của Pháp. Đây còn là nơi phát hành tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của người Việt, mang văn minh phương tây đến với người Việt, nơi giao lưu văn hóa Việt – Pháp…

Tòa nhà được nâng cấp lần cuối vào năm 1890, kết cấu công trình hầu như còn nguyên vẹn, gồm 1 dãy nhà chính hướng ra mặt đường Lý Tự Trọng, hai dãy nhà hai bên tạo thành chữ U, dẫn lên tầng trên là 4 cầu thang gỗ… Sau khi UBND TP.HCM quyết định cải tạo, xây dựng lại trụ sở UBND thành phố tại 86 Lê Thánh Tôn, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân xung quanh việc bảo tồn hay tháo dỡ tòa nhà Dinh Thượng Thơ tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng.

img

Toà nhà Dinh Thượng Thơ hiện không nằm trong danh mục các công trình đã được xếp hạng di sản bắt buộc phải bảo tồn. Ảnh: P.Thảo

Về mặt pháp lý, tòa nhà Dinh Thượng Thơ mặc dù có tuổi đời chỉ sau Nhà Rồng (Q.4) nhưng lại không nằm trong danh mục các công trình đã được xếp hạng di sản bắt buộc phải bảo tồn theo Luật Di sản. Tuy nhiên, xét về mặt kiến trúc, đây là một dinh thự cũ còn khá nguyên vẹn, đặc trưng cho thể loại công trình kiến trúc người Pháp xây dựng thế kỷ 19 tại khu vực khí hậu nhiệt đới Đông - Nam Á.

Mặt khác, nằm ở vị trí ô phố trung tâm, tòa nhà có giá trị nhất định trong không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị. Đặc biệt, công trình kiến trúc này cũng như một số công trình kiến trúc khác của thành phố (Bưu điện TP, Nhà hát TP, Nhà thờ Đức Bà...) đã tồn tại, gắn bó với lịch sử hình thành, phát triển, những thăng trầm của thành phố hơn 300 năm tuổi. Vì vậy, công trình như là một biểu tượng của thành phố, nhận được tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của người dân. Khá nhiều ý kiến mong muốn công trình kiến trúc Dinh Thượng Thư này được bảo tồn.

Bảo tồn trong xu thế phát triển

GS-TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, khá gay gắt khi cho rằng một trong nhiều lý do khiến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại thành phố thời gian dài kém hiệu quả, dậm chân tại chỗ là do có một “khoảng cách” giữa chuyên gia mong muốn đóng góp bảo tồn và những nhà chỉ đạo, quản lý trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó còn có một số tác động mang tính nhạy cảm mà cơ chế kinh tế thị trường tạo ra.

Đối với công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa như Dinh Thượng Thơ, TP.HCM cần “bảo tồn trong xu thế phát triển”, nghĩa là vẫn giữ lại công trình và cải tạo, chỉnh trang cho phù hợp với xu thế cải tạo - phát triển chung của khu trung tâm.

img

Toàn cảnh buổi hội thảo.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, nhiều chuyên gia và người dân lo ngại việc phá dỡ Dinh Thượng Thư là một di sản kiến trúc quan trọng của thành phố, sẽ khiến di sản ký ức đô thị thành phố bị tổn hại nghiêm trọng.

"Việc người dân bức xúc trước các đề xuất phá bỏ các công trình cổ như Thương xá Tax, biệt thự quận Bình Thạnh, Dinh Thượng Thơ… cho thấy việc bảo vệ các di sản chưa được xếp hạng cần một hành lang pháp lý cụ thể, để sau không còn tiếp tục xảy ra tình trạng nhiều công trình di sản tiếp tục bị đe dọa, gây lãng phí về thời gian, kinh phí, công sức của các nhà quản lý và người dân", ông Nam Sơn đề nghị.

Chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến nêu: "Cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử; nên giữ lại tòa nhà, phát huy công năng. Giữ lại tòa nhà không chỉ là vấn đề “thương nhớ” mà nó còn có giá trị lớn trong phát triển kinh tế du lịch, là điểm nhấn của du lịch thành phố hơn 300 năm tuổi...".

KTS  Cao Thành Nghiệp thì cho biết, công trình Dinh Thượng Thơ có đầy đủ các yếu tố cần thiết phải bảo tồn như: Giá trị lịch sử văn hóa đô thị, giá trị nhân văn, ký ức đô thị, vị trí ổn định, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật kiến trúc, giá trị thời đại, giá trị kinh tế, sử dụng và khai thác hiệu quả trong tương lai; xứng đáng là công trình di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật.

Từ những lý do đó, ông Nghiệp kiến nghị TP.HCM xem xét bảo tồn, tu bổ lại nguyên trạng các chi tiết kiến trúc bên ngoài công trình và một số khu vực bên trong như hành lang, sảnh, cầu thang, mái ngói... Các khu vực cơi nới, xây chen lấn khiến bị xuống cấp cần được tháo dỡ. Các chức năng khác thay đổi một phần để phù hợp với công năng mới của công trình.

img

Toàn bộ kiến trúc toà nhà nhìn từ trên cao.

Trong tham luận của TS-KTS Vũ Thị Hồng Hạnh và nhóm tác giả Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM cẩn trọng đưa ra nhiều phương án đề xuất việc xây dựng công trình Trung tâm hành chính tập trung, trong đó nêu rõ ý kiến thành phố cần gấp rút thiết lập hồ sơ và công nhận di tích để đưa Dinh Thượng Thơ vào danh sách di sản cần bảo tồn.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất  đối với công trình di sản không cần bảo vệ nguyên trạng như di tích thì có thể chỉ cần bảo tồn các phần chính yếu, được phép cải tạo một phần hoặc mở rộng thêm, dựa trên hướng dẫn cụ thể về giải pháp bảo tồn và phát triển.

Các đề án cải tạo mở rộng Dinh Thượng Thư phải được xem xét phê duyệt bởi một hội đồng về di sản dựa trên nguyên tắc là cải tạo, mở rộng phải nâng cao bản sắc của công trình chứ không được làm mất đi bản sắc vốn có của nó.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho biết, sau khi trưng bày triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP, với việc phá dỡ Dinh Thượng Thơ, đa số các ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình này. Sở cũng cho biết đa số các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP đều có chung ý kiến cần cân nhắc kỹ về yếu tố bảo tồn công trình này.

Sau hội thảo, Sở Quy hoạch - kiến trúc sẽ ghi nhận, tiếp thu, báo cáo UBND thành phố xem xét, nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo được các yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc, công năng… mà công trình mang lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem