Toàn cảnh 4 tuần chiến sự Nga-Ukraine: Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì?

Tuấn Anh (Theo Yahoo News) Chủ nhật, ngày 20/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Ngày 19/3, chiến sự Ukraine đã bước sang tuần thứ 4 với giao tranh dữ dội tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây - nơi đang là điểm nóng lớn nhất của cuộc chiến.
Bình luận 0


Toàn cảnh 4 tuần chiến sự Nga-Ukraine: Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì? - Ảnh 1.

Người tị nạn Ukraine chờ đợi để vượt qua biên giới ở Medyka, Ba Lan vào ngày 18/3. Ảnh Bloomberg

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng quân đội của nước này ở Mariupol đang chiến đấu với lực lượng Nga để dành lại nhà máy thép Azovstal, một trong những nhà máy lớn nhất ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Điện Kremlin cố tình tạo ra "một thảm họa nhân đạo", đồng thời kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp ông để thảo luận trực tiếp.

Cơ quan di trú của Liên Hợp Quốc cho biết cuộc giao tranh đã khiến gần 6,5 triệu người phải di tản bên trong Ukraine, bên cạnh 3,2 triệu người tị nạn đã rời khỏi đất nước. Ukraine cho biết hàng nghìn người đã thiệt mạng.

Dưới đây là một số điều chính cần biết về chiến sự Ukraine.

Điều gì đang xảy ra trên bộ?

Ukraine ngày 19/3 thông báo rằng, 10 hành lang nhân đạo đã được thống nhất với người Nga - một từ Mariupol, một số ở vùng Kyiv và một số ở vùng Lugansk. Việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo cũng được lên kế hoạch cho thành phố Kherson, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Tại Mariupol, quân đội Ukraine đang mất quyền kiểm soát nhà máy thép Azovstal quan trọng, hiện đã bị hư hại nặng nề, cố vấn cho Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết.

Ông Vadym Denysenko cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 19/3 rằng: "Bây giờ có một cuộc chiến vì Azovstal".

Toàn cảnh 4 tuần chiến sự Nga-Ukraine: Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì? - Ảnh 2.

Mọi người đứng bên ngoài Rạp xiếc Zaporizhzhia, nơi đang đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho những người dân phải di dời vào ngày 15/3 ở Zaporizhzhia, Ukraine. Ảnh Getty

Hàng chục dân thường đã thiệt mạng và bị thương do hậu quả của các cuộc tấn công trong 24 giờ qua ở khu vực phía đông Donetsk, cảnh sát Ukraine cho biết hôm thứ Bảy. Ít nhất 37 tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng đã bị hư hại trong các cuộc tấn công. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết trong bài phát biểu video vào tối 18/3 trước toàn quốc rằng, hơn 9.000 người đã có thể rời Mariupol trong ngày qua và hơn 180.000 người đã có thể tháo chạy qua các hành lang nhân đạo.

Ngày 19/3, quân đội Nga đưa tin rằng lần đầu tiên họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh mới nhất của mình ở Ukraine. Thiếu tá Igor Konashenkov cho biết, tên lửa Kinzhal đã phá hủy một nhà kho dưới lòng đất lưu trữ tên lửa và đạn dược hàng không của Ukraine ở khu vực Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine.

Lệnh giới nghiêm kéo dài 38 giờ đã được ban bố tại thành phố Zaporizhzhia, miền đông nam nước này, kéo dài từ 4 giờ chiều giờ địa phương vào ngày 19/3 cho đến 6 giờ sáng vào ngày 21/3. Các quan chức cho biết hai cuộc tấn công bằng tên lửa vào các vùng ngoại ô của thành phố một ngày trước đó đã khiến 9 người thiệt mạng. Chính quyền địa phương ở đó cho biết họ vẫn tiếp tục sơ tán người dân khỏi các khu vực quân Nga đang kiểm soát.

Toàn cảnh 4 tuần chiến sự Nga-Ukraine: Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì? - Ảnh 3.

Người dân mang theo đồ đạc khi rời Mariupol, Ukraine vào ngày 16/3. Ảnh AP

Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì?

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc thảo luận trong gần 2 giờ qua video hôm 18/3.  Mỹ muốn ngăn chặn Bắc Kinh cung cấp viện trợ quân sự hoặc kinh tế cho các hoạt động của Nga ở Ukraine. Ông Biden mô tả những hậu quả mà người Trung Quốc sẽ phải đối mặt từ Mỹ nếu họ cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế Nga. Về phần mình, ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ và Nga đàm phán và cho rằng Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này.

Hôm 19/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại trách nhiệm của NATO về cuộc chiến và chỉ trích các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ông Le Yucheng cho rằng NATO là "vết tích Chiến tranh Lạnh" và sự mở rộng của khối này có thể dẫn đến "những hậu quả quá khủng khiếp để có thể chiêm nghiệm" từ một cường quốc lớn như Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc giục ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc điện đàm ngày 18/3 với Tổng thống Putin. Văn phòng của ông Macron cho biết ông Putin đã chỉ trích vai trò của Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã thúc ép ông Putin ngừng bắn trong một cuộc trao đổi ngày 18/3.

Ông Biden có kế hoạch đến châu Âu vào tuần tới để hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu về chiến sự Nga-Ukraine, và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường tại Brussels.

Đàm phán Nga-Ukraine đang đi về đâu?

Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga cho biết các bên đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận về quy chế trung lập đối với Ukraine - một trong những yêu cầu chính của Nga khi cuộc tấn công của họ tiếp tục. Ngày 18/3, ông Vladimir Medinsky cho biết  rằng các bên cũng đã thu hẹp sự khác biệt của họ về vấn đề Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Nhưng Mikhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky đã tweet rằng: "Vị trí của chúng tôi không thay đổi. Ngừng bắn, rút quân và đảm bảo an ninh với các công thức cụ thể. "

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh cáo buộc ông Putin sử dụng đàm phán như một "màn khói" đánh lừa trong khi Nga vẫn tăng cường các hoạt động quân sự dữ dội hơn ở Ukraine. Bà Liz Truss nói với tờ Times of London rằng bà  "rất nghi ngờ" về mức độ nghiêm túc của Nga trong các cuộc đàm phán, cáo buộc các lực lượng Nga đang cố gắng tạo không gian để tập hợp lại và ngăn chặn chiến dịch bị đình trệ của họ.

Toàn cảnh 4 tuần chiến sự Nga-Ukraine: Các nhà lãnh đạo thế giới đang làm gì? - Ảnh 4.

Các binh sĩ nỗ lực tìm kiếm tại hiện trường vụ tấn công tên lửa ở Mykolaiv, Ukraine. Ảnh Expressen

Số thương vong chính xác là bao nhiêu?

Văn phòng nhân quyền của LHQ cho biết họ đã ghi nhận tổng cộng 816 dân thường thiệt mạng và 1.333 người bị thương kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2. Tuy vậy, cơ quan này tin rằng con số này thấp hơn so với thực tế. Các quan chức Ukraine  đưa ra con số hàng nghìn người đã thiệt mạng, song con số này không thể xác minh.

Văn phòng Tổng công tố của Ukraine ngày 19/3 báo cáo rằng tổng cộng có 112 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc giao tranh. Hơn 140 trẻ em đã bị thương.

Ngày 19/3, cảnh sát liên bang Đức cho biết họ đã đăng ký hơn 200.000 người tị nạn Ukraine tại nước này kể từ khi chiến tranh bùng nổ.

Thế giới phản ứng với chiến tranh như thế nào?

Mỹ và các đồng minh đã áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế Nga. Hàng trăm công ty quốc tế đã thông báo rằng họ đang ngừng hoạt động ở Nga, và những công ty ở lại đang chịu áp lực rút lui.

Các cơ quan cứu trợ đang tăng cường nỗ lực cung cấp hàng cứu trợ cho dân thường bị ảnh hưởng bởi giao tranh và những người tị nạn đã rời khỏi Ukraine. Thành phố Rzeszow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 60 dặm (100 km), đã trở thành một trung tâm nhân đạo của khu vực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem