Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine 6 tháng qua

Phương Đăng (theo AP, Aljazeera, Reliefweb) Thứ tư, ngày 24/08/2022 21:10 PM (GMT+7)
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu cách đây 6 tháng vào ngày 24/2, với khát vọng ban đầu của Điện Kremlin là hoàn thành một cuộc tiếp quản nhanh chóng. Tuy nhiên, vấp phải kháng cự quyết liệt của Ukraine, cuộc chiến giờ đây trở thành một "trận chiến tiêu hao" đẫm máu chưa có hồi kết.
Bình luận 0
Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 1.

Một phương tiện bọc thép bốc cháy bên cạnh các phương tiện quân sự bị hư hỏng sau khi giao tranh ở Kharkov vào ngày 27/2. Ảnh AP

6 tháng chiến sự Nga Ukraine qua các con số

Sau 6 tháng, Nga đã giành được quyền kiểm soát hơn 1/5 lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, tổng số các tên lửa hành trình khác nhau mà Nga đã bắn vào Ukraine là 3.500 quả.

Ước tính hiện có 6,6 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước vì chiến sự. 6,6 triệu người khác phải di tản trong nước.

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 2.

Nhiều người chen chúc trên cầu thang để lên chuyến tàu tới Lviv ở Kiev vào ngày 28 tháng 2. Ảnh AP.

Tính đến ngày 15/8, Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine đã xác minh hơn 13.000 dân thường thương vong từ lúc chiến sự bùng nổ, trong đó, 5.514 người thiệt mạng và 7.698 người bị thương. Nhưng con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể.

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 3.

Natali Sevriukova bật khóc bên cạnh ngôi nhà của cô sau một cuộc tấn công tên lửa vào Kiev vào ngày 25 tháng 2. Ảnh AP

Phần lớn thương vong xảy ra ở miền đông Ukraine, đặc biệt là các khu vực Donetsk và Lugansk, nơi xảy ra các cuộc pháo kích và giao tranh dữ dội nhất trong cuộc chiến. Ngày 22/8, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny ngày 22/8 cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 9.000 quân nhân Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột với Nga.

Trong khi đó, lần cuối cùng Bộ Quốc phòng Nga cung cấp thông tin cập nhật về con số thương vong của quân đội Nga là vào cuối tháng 3, với 1.351 người thiệt mạng và 3.825 người bị thương.

Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng ước tính hiện có hơn 17,7 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số Ukraine, cần được hỗ trợ nhân đạo.

Ngày đầu tiên của chiến sự

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 4.

Bản đồ các hướng tiến công của Nga vào Ukraine trong ngày đầu tiên chiến sự bùng nổ. Nguồn Al Jazeera

Vào ngày 24/2, sau bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông tuyên bố về một "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, các lực lượng mặt đất của Nga đã tiến vào nước láng giềng từ 4 mặt trận chính:

Từ phía bắc: Các lực lượng Nga tiến về Kiev từ Belarus.

Từ phía đông bắc: Các lực lượng Nga di chuyển về phía tây theo hướng Kiev từ Nga.

Từ phía đông: Các lực lượng Nga tiến về Kharkov từ vùng Donbass

Từ phía nam: Các lực lượng Nga từ Crimea di chuyển về phía Odessa, Zaporizhzhia và Mariupol.

Các vụ nổ đã được nghe thấy trên khắp Ukraine, trong đó pháo binh và tên lửa của Nga đã bắn trúng nhiều mục tiêu ở nước láng giềng. Kiev cùng ngày tuyên bố thiết quân luật và cho biết Ukraine sẽ tự vệ.

Sự kháng cự gay gắt của Ukraine

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 5.

Tòa thị chính ở Ukraine trúng tên lửa ngày 1/3. Ảnh AP

Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Nga đã tiến về các thành phố lớn nhất của Ukraine bao gồm Kiev, Kharkov và Kherson, nhưng họ vấp phải sự kháng cự gay gắt từ các lực lượng Ukraine.

Thành phố Kherson, ở phía nam, là trung tâm đô thị trọng điểm đầu tiên của Ukraine thất thủ vào ngày 2/3 , chỉ một tuần sau khi xung đột bắt đầu. Cùng lúc đó, ở miền đông Ukraine, các lực lượng Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia.

Bất chấp một số chiến thắng trong những ngày đầu của cuộc chiến, các lực lượng Nga đã không thể giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine, vì họ phải đối mặt với những thách thức lớn về hậu cần và sự kháng cự mạnh mẽ đầy bất ngờ của các lực lượng vũ trang Ukraine. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đoàn xe dài tới 40 km của Nga bị nằm im bên ngoài thủ đô Kiev nhiều tuần.

Giai đoạn 2 của cuộc chiến

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 6.

Người Ukraine tập trung dưới một cây cầu bị phá hủy khi họ cố gắng di tản qua sông Irpin ở ngoại ô Kiev vào ngày 5 tháng 3. Ảnh AP

Sau thất bại để chiếm Kiev, Nga rút quân ở phía bắc Ukraine để tập trung vào Donbass và đẩy mạnh tấn công về phía thành phố cảng Mariupol trong giai đoạn 2 của chiến dịch.

Vào cuối tháng 4, Điện Kremlin đã công bố một loạt các mục tiêu trong đó có 4 mục tiêu chính. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga phải:

- Tiếp quản Donbass;

- Xây dựng được hành lang đất liền từ khu vực Donbass tới Crimea;

- Phong tỏa các cảng trên Biển Đen của Ukraine;

- Giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine để tạo ra một hành lang tới Transnistria.

Cuộc chiến bế tắc

Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt 6 tháng qua - Ảnh 7.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine tròn 6 tháng và chưa có hồi kết. Ảnh IT

Bất chấp việc Nga định hướng lại lực lượng ở phía đông Ukraine, cuộc tấn công của họ dường như không thu được nhiều thành tựu kể từ tháng 5.

Một cuộc chiến tranh tiêu hao đã xuất hiện ở Ukraine khi các cuộc tiến công lớn, giao tranh dữ dội ít xảy ra hơn. Dù vậy, các lực lượng Nga vẫn hạ gục được thành phố Lysychansk và tuyên bố toàn quyền kiểm soát Lugansk vào đầu tháng Bảy.

Phần lớn các cuộc giao tranh trong những tháng gần đây tập trung ở các khu vực phía đông và nam của Ukraine xung quanh Kharkov, Severodonetsk và Izyum cũng như Mykolaiv, Kherson và Zaporizhzhia. Giao tranh gần một nhà máy điện hạt nhân đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra.

Hiện các lực lượng Ukraine đang cố gắng giành lại lãnh thổ ở Kherson, trong khi các lực lượng Nga cố gắng tấn công nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn ở Donetsk.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem