Tốc độ và sức viết nhạc kỳ diệu của nhạc sĩ Văn Dung

Nhà văn Nguyễn Hiếu Thứ tư, ngày 09/03/2022 15:05 PM (GMT+7)
"Có thể nói, sự nhanh nhạy trong việc cảm nhận các đề tài nóng bỏng thực tế, sức viết nhanh chính là tố chất nhà báo trong con người nhạc sĩ Văn Dung" - nhà văn Nguyễn Hiếu khẳng định.
Bình luận 0

*** Bài viết của nhà văn Nguyễn Hiếu dành riêng cho Dân Việt.

Khi tôi về Đài Tiếng nói Việt Nam vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi nhận ra cơ quan của tôi là một trung tâm văn hóa lớn có gần hết các ngành nghệ thuật với sự góp mặt của các tác giả lừng danh.

Văn, thơ từng có Nguyễn Đình Thi, rồi Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Nguyễn Bùi Vợi… Các giọng đọc phát thanh viên đầy sức hấp dẫn và thu hút thính giả xa gần có Tuyết Mai, Vân Yến, Việt Khoa, Hoàng Yến, Kiên Cường, Kim Cúc…

Cả một đoàn ca nhạc với các danh ca tân nhạc nổi tiếng như Trần Khánh, Trần Thụ, Tuyết Thanh, Tuyết Nhung… Dân ca có Như Hoa, Lài Tâm, Thuý Đạt… cùng giọng ngâm thơ ngọt ngào quyến rũ của Trần Thị Tuyết, giọng đọc thơ hào sảng của Phạm Thành…

Tốc độ và sức viết nhạc kỳ diệu của nhạc sỹ Văn Dung - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Dung trong một sự kiện âm nhạc. (Ảnh: Hội nhạc sĩ Việt Nam)

Nhưng có lẽ mạnh mẽ và tạo sức hấp dẫn hơn cả là phòng Âm nhạc nằm trong Ban Ca nhạc của Đài với một đội ngũ những nhạc sĩ thuộc hàng hùng hậu nhất nước ta dạo đó: Lưu Bách Thụ, Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Lê Lôi, Hồ Bắc, Cát Vận, Triều Dâng, anh em nhà Thế Song, Văn Dung… Ban Ca nhạc của Đài có đặc điểm rất rõ là phản ứng nhanh với thời cuộc và cho ra tác phẩm rất phù hợp với chủ trương tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi nhớ một buổi sáng giao ban, Giám đốc Trần Lâm cho biết ở Ứng Hoà Hà Tây có phong trào chiếc gậy Trường Sơn hướng về miền Nam rất hay, chúng ta nên có bài vở động viên kịp thời. Tới buổi chiều hôm đó, ca khúc "Chiếc gậy Trường Sơn" của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được thu thanh tại phòng thu nhạc…

Ca khúc lừng danh "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" cũng ra đời chỉ sau khi tin chiến thắng miền Nam được phát ra khoảng ba tiếng sau. Trong các nhạc sĩ hát đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền của Đài mà lại được viết một cách nghệ thuật và tạo được ấn tượng đối với người nghe nhất, ngoài nhạc sĩ Phạm Tuyên, theo tôi phải kể đến nhạc sĩ Văn Dung. Hầu hết các ca khúc của Văn Dung đều bắt nguồn từ những đợt tuyên truyền tập trung có trọng điểm của Đài Tiếng nói Việt Nam và là kết quả của những chuyến đi công tác.

Nếu dân làm báo ở Đài mỗi chuyến công tác từ địa phương về thành quả là những phóng sự, điều tra, tin thu thanh, phỏng vấn thu thanh, thì với nhạc sĩ ở Đài, nhất là nhạc sĩ Văn Dung lại là những ca khúc nóng hổi sự kiện thời sự và tràn đầy nghệ thuật âm nhạc.

"Giải phóng quân ta ra đi" (1965), "Tiến về Khe sanh" (1968), "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh" (1970) một hành khúc mang tính cổ động nhưng mang đầy chất nghệ thuật của một khúc quân hành ông viết hưởng ứng đợt kêu gọi sáng tác cho thanh niên của Trung ương Đoàn. Chùm hai bai ca khúc nổi tiếng về chiến thắng đường 9 là "Đường Trường Sơn xe anh qua", nhất là "Bài ca Đường 9 chiến thắng" là những ghi nhận sự thăng hoa trong âm nhạc của Văn Dung…

Tốc độ và sức viết nhạc kỳ diệu của nhạc sỹ Văn Dung - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Hiếu. (Ảnh: NVCC)

Các nhạc phẩm nổi tiếng của Văn Dung không chỉ nhanh chóng ra đời với tốc độ phản ứng nhanh của báo chí mà dường như đi đến đâu công tác, khi trở về Văn Dung cũng có những nhạc phẩm phản ánh đúng hơi thở cuộc sống với một bút pháp âm nhạc vững vàng, điêu luyện. Đến với đồng ruộng, núi rừng Văn Dung có "Hương chiêm mùa xuân", "Em về với rừng Hoàng Liên", "Vì một hành tinh xanh", "Thuyền đi đón lúa", "Ai đưa sông nước lên đồi"…

Đến với công nghiệp, công nhân ông có "Vinh quang công nhân Việt Nam", "Trở về Bỉm Sơn","Tình ca đất mỏ", "Chiều xa hải cảng". Đến với thiếu nhi ông có "Hành khúc Hội khỏe Phù Đổng", "Chích choè bông"…

Mặc dù ở cùng cơ quan với nhạc sĩ nhưng vì nhạc sĩ Văn Dung là thế hệ trước, ông hơn tôi hơn chục tuổi, làm ở phòng khác, lại khác nghề nên tôi chỉ mới biết ông mà chưa có dịp truyện trò. Mãi đến khi tôi sang làm biên tập cho ban Văn nghệ Đài Phát Thanh Giải Phóng, nhờ nhạc sĩ Vũ Lê Phú, tôi mới tiếp xúc. Qua đàm đạo với nhạc sĩ Văn Dung, tôi phần nào hiểu được độ nhanh và sức viết nhạc kỳ diệu của ông.

Nhạc sĩ Văn Dung tốt nghiệp khoa báo chí và về Đài năm 1960, và thật ngẫu nhiên ông lại từng là phóng viên của Ban Công nghiệp – một ban mà cả đời làm báo 39 năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam tôi gắn bó cho đến lúc về hưu.

Làm phóng viên công nghiệp nhưng chàng nhà báo trẻ Văn Dung dân Hà Nội này lại có năng khiếu và sự am hiểu về âm nhạc. Nhạc sĩ Cầm Phong - tác giả nhạc phẩm lừng danh "Tiếng hát giữa rừng hoa ban" đã nhìn ra khả năng âm nhạc của Văn Dung và mời ông về Phòng Âm nhạc.

Tất nhiên, để đảm nhiệm được công việc nghệ thuật mới, Văn Dung đã vừa học, vừa làm, vừa được sự giúp đỡ tận tình của các nhạc sĩ đàn anh, nổi tiếng để trở thành một nhạc sĩ tài năng, gạo cội của giới tân nhạc nước ta.

Có thể nói sự nhanh nhạy trong việc cảm nhận các đề tài nóng bỏng thực tế, sức viết nhanh chính là tố chất nhà báo trong con người nhạc sĩ Văn Dung. Sự viết hay, viết nghệ thuật tạo ra những tác phẩm thu hút được người nghe lại là năng khiếu và sự rèn giũa chuyên môn của người nhạc sĩ tài hoa và yêu nghề này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi nói về nhạc sĩ Văn Dung đã có những đánh giá thực chuẩn xác "Văn Dung là một người công tác báo chí, anh đi rất nhiều nơi. Mỗi nơi để lại cho anh những cảm xúc tươi mới. Với thiếu nhi anh cũng có những bài hát, với thanh niên anh cũng có những ca khúc nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng".

Nhạc sĩ Văn Dung như cây đàn nhạy cảm luôn rung lên những âm thanh cuộc sống dù âm thanh đó vang lên nhỏ nhất. Khi cắt nghĩa sự nhanh nhạy của mình trong âm nhạc, ông cho biết: "Trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực cuộc sống đầy cảm xúc của cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh.

Trong hòa bình, dựng xây thì nhạc sĩ phải đi vào đời sống để tìm cái hay cái đẹp, để đối tượng được mình phản ánh thấy mình trong đó. Tôi là người lữ hành không mệt mỏi trên con đường vô tận tìm cái đẹp, cái hay, tìm về chính trong cõi sâu thẳm trong tâm thức".

Đề tài và đối tượng phản ánh trong âm nhạc Văn Dung khá da dạng, nhưng có thể nói thành công và để lại ấn tượng sâu đậm nhất nhất trong di sản nhạc phẩm của ông là trong các ca khúc viết về chiến tranh và về Bác Hồ, trong đó đỉnh cao là ca khúc "Những bông hoa trong vườn Bác ". Trước ca khúc nổi tiếng này, nhạc sĩ Văn Dung đã viết hàng loạt ca khúc viết về Bác như "Tên Người sáng mãi niềm tin", "Tôi vẫn nghe sóng hát tên Người"; "Pắc Bó nơi ấm tình Bác"; "Tiếng Người nói năm ấy"...

"Những bông hoa trong vườn Bác"... là một ca khúc trữ tình không chỉ ca ngợi công lao của Bác Hồ mà còn nói lên tấm lòng của mỗi người dân đất Việt. Với khúc thức nhịp nhàng và giai điệu của giọng thứ, bài hát đã trở thành một "bản romance" xinh xắn truyền tải lời tâm sự thầm kín của mỗi con người khi nghĩ tới Người. Đó là một nhạc phẩm mang đủ đầy tố chất, tài năng, sự uyên bác của âm nhạc Văn Dung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem