Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên (Kỳ 3): "Bức tường thành" mang tên Viên Sùng Hoán

Trần Hưng Thứ tư, ngày 15/03/2023 18:31 PM (GMT+7)
Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, Viên Sùng Hoán muốn tranh thủ hòa hoãn với Đại Kim nhằm có thời gian củng cố lực lượng. Con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực thay cha lên ngôi Đại Hãn cũng muốn có thời gian củng cố địa vị nên đã đồng ý nghị hòa.
Bình luận 0

Hai bên nghị hòa củng cố lực lượng

Việc hòa hoãn này khiến trong triều Minh có nhiều kẻ nhỏ to, Viên Sùng Hoán phải dâng tấu về Triều Đình báo rằng:

“Ngoài quan ải đất hẹp người đông nên phải xây dựng sửa sang lại ba thành Cẩm Châu, Trung Tả và Đại Lãng để phòng tuyến kéo dài ngoài quan ải đến 400 dặm. Nếu như thành chưa được tu sửa xong mà quân nhà Kim đã đánh thì tất phải thua. Ta đã ở vào thế đánh thì thắng thủ thì bại. Vì thế nhân nhà Kim đánh nhau với Triều Tiên, chúng ta lấy kế hòa để tiến, hoãn binh củng cố thành trì. Khi nhà Kim đến thì chúng ta đã tu sửa tốt thành trì vùng biên để vững chắc thì nhà Kim không thể làm gì được”.

Hoàng Thái Cực nhân thời gian này dẫn quân tiến đánh và chinh phục được Triều Tiên, giải quyết vấn đề hậu cần nhằm chuẩn bị tiến đánh nhà Minh. Trong khi đó Viên Sùng Hoán ra sức tu sửa thành trì, mua sắm vũ khí, chỉnh đốn binh mã, vỗ về dân chúng. Ông đặc biệt tập trung vào Sơn Hải Quan.

Sơn Hải Quan là một trong những cửa ải chính của Vạn Lý Trường Thành, nằm cạnh phía cực đông của Vạn Lý Trường Thành, kế bên ranh giới Liêu Ninh, cạnh bờ biển Ninh Viễn là Hưng Thành. Đây là cửa ngõ quan trọng để quân Đại Kim có thể tiến vào Trung Nguyên.

Tiền đồn của Sơn Hải Quan là hai cứ điểm quan trọng, thành Ninh Viễn và thành Cẩm Châu. Viên Sùng Hoán vẫn tiếp tục củng cố Ninh Viễn làm cứ điểm vững chắc để ngăn quân Đại Kim.

Trận chiến Sơn Hải Quan

Năm 1627, Hoàng Thái Cực đưa lực lượng hùng hậu tấn công. Vì thành Ninh Viễn chắc chắn, nên Hoàng Thái Cực ra kế hoạch tiến đánh Cẩm Châu, khiến quân Minh từ thành Ninh Viễn sang ứng cứu. Lúc đó quân Đại Kim sẽ mai phục sẵn đánh bại quân Minh.

Với kế hoạch này, Hoàng Thái Cực chia quân là 3 hướng bao vây tấn công thành Cẩm Châu, rồi cho quân bí mật mai phục con đường từ Ninh Viễn đến Cẩm Châu. Thế nhưng Viên Sùng Hoán cũng phán đoán được kế này nên cương quyết cho quân ở lại giữ thành Ninh Viễn mà không cứu viện Cẩm Châu.

Cẩm Châu bị quân Kim liên tục công phá, tình thế nguy cấp. Bấy giờ Viên Sùng Hoán đành phái bộ tướng đưa 4.000 kỵ binh ứng cứu.

Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên (Kỳ 3): "Bức tường thành" mang tên Viên Sùng Hoán - Ảnh 2.

Minh họa hai thành trì trong trận Sơn Hải Quan. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong khi đó, quân mai phục của Đại Kim chờ mãi không thấy quân Minh cứu thành Cẩm Châu đi qua, nên dồn lực tấn công thẳng vào thành Ninh Viễn. Tại Ninh Viễn, quân Minh dựa vào thành trì vững chắc giữ vững, Hồng Di đại pháo vẫn là vũ khí quyết định gây tổn thấy lớn cho quân Đại Kim.

Không chiếm được Ninh Viễn, Hoàng Thái Cực lại cho quân đánh Cẩm Châu, tuy nhiên quân Minh tại Cẩm Châu nghe tin chiến thắng từ Ninh Viễn, sĩ khí lên rất cao, khiến cuộc tấn công không đạt được hiệu quả.

Sau 5 tháng tấn công không thành công, Hoàng Thái Cực cho quân rút lui.

Viên Sùng Hoán chỉ huy quân Minh đánh lui quân Đại Kim, lập công lớn. Tuy nhiên ở triều, Ngụy Trung Hiền cùng vây cánh ganh tỵ nói xấu ông với Hoàng Đế, cho rằng Viên Sùng Hoán cố ý khiêu khích dẫn đến quân Kim tấn công, và lúc nguy cấp không mang quân ứng cứu Cẩm Châu. Việc này khiến Viên Sùng Hoán bị bãi chức, phải về quê.

Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên (Kỳ 3): "Bức tường thành" mang tên Viên Sùng Hoán - Ảnh 3.

Hoàng đế Sùng Trinh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi Hoàng đế Sùng Trinh lên kế vị đã loại bỏ vây cánh Ngụy Trung Hiền, triệu hồi Viên Sùng Hoán và bổ nhiệm ông làm Tổng đốc Liêu Đông, trấn thủ Sơn Hải quan.

Bắc Kinh bị công hãm

Hoàng Thái Cực hiểu rằng vượt qua phòng tuyến Sơn Hải Quan để tiến thẳng đến Bắc Kinh là khó, bởi tuyến phòng thủ nơi đây quá kiên cố, lại có vũ khí hiện đại. Vì thế ông quyết định chuyển hướng đi đường vòng để đến Bắc Kinh. Nhận thấy phía Tây Bắc quân Minh không chú trọng phòng thủ, nên Đại Kim quyết định tiến quân theo hướng này.

Lúc này nhà Minh mục nát, các quan trên dưới chỉ lo đục khoét của dân, khiến tình cảnh người dân đói khổ nổi loạn khắp nơi. Ở phía nam có cuộc nổi loạn của Lý Tự Thành, khiến Hoàng đế Sùng Trinh phải cho quân đến ngăn lại.

Tháng 10/1629, khi quân Minh đang tập hợp lực lượng xuống phía nam, bao vây quân nổi loạn của Lý Tự Thành ở Xa Sương Hạp, Hoàng Thái Cực quyết định tấn công. Lần tiến quân này quân Đại Kim được trang bị hỏa pháo, đây là một vũ khí mới mẻ dù không thể sánh được so với Hồng Di đại pháo của quân Minh.

Hoàng Thái Cực cho quân tiến đánh Tuân Hóa khiến Viên Sùng Hoán phải đem quân từ Kinh Châu đến cứu viện. Nhưng đấy chỉ là đòn nghi binh, quân Đại Kim thực sự tiến theo hướng khác, bí mật vòng qua Trường Thành, đến vùng Tây Bắc tấn công liên tiếp hạ 5 thành.

Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên (Kỳ 3): "Bức tường thành" mang tên Viên Sùng Hoán - Ảnh 4.

Viên Sùng Hoán – Viên tướng rường cột tận trung với triều đình nhà Minh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trước đây Viên Sùng Hoán đã yêu cầu triều đình tăng cường tuyến phòng thủ ở Tây Bắc, thế nhưng triều đình lơ là, việc tăng cường phòng thủ tại đây rất chậm chạp. Đến khi quân Đại Kim vượt qua phòng tuyến Tây Bắc, quân Minh mới vội vàng huy động quân phản công lấy lại các thành trì. Cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt, quân nghi binh của Đại Kim ít hơn lại bị bao vây, phải dùng đến hỏa pháo chống lại quân Minh, giữ vững các thành trì.

Trong khi đó, Hoàng Thái Cực từ Kế Châu vượt Tam Hà, chiếm Thuận Nghĩa rồi đánh thẳng đến Thông Châu, lại vượt sông tiến lên uy hiếp Bắc Kinh. Kỵ binh Nữ Chân tiến như vũ bão thẳng đến Bắc Kinh. Viên Sùng Hoán nghe tin vội đưa quân chặn đường Đại Kim nhưng không kịp do kỵ binh của người Nữ Chân tiến rất nhanh.

Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên (Kỳ 3): "Bức tường thành" mang tên Viên Sùng Hoán - Ảnh 5.

Kỵ binh Bát Kỳ của nhà Thanh, tiền thân là Bát Kỳ Đại Kim. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Quân Đại Kim tiến đến ngoài Bắc Kinh, Hoàng đế Sùng Trinh vội tăng cường quân phòng thủ và cho người báo tin các nơi về ứng cứu kinh thành. Quân Kim công hãm hết vòng phòng thủ này đến vòng phòng thủ khác, toàn bộ triều đình nhà Minh hoảng loạn rúng động. Trong khi đó, Viên Sùng Hoán dẫn theo 9.000 thiết kỵ binh ở thành Ninh Viễn và Cẩm Châu cấp tốc ngày đêm về kinh thành ứng cứu, 5 vạn binh mã đuổi theo sau. Cuối cùng, Viên Sùng Hoán về tới kinh thành kịp ngay trước khi Quân Đại Kim tiến vào trước thành Bắc Kinh.

Tháng 11/1629, Hoàng Thái Cực và Viên Sùng Hoán kịch chiến ngay bên ngoài thành Bắc Kinh. Viên Sùng Hoán chỉ huy quân Minh đối đầu với 10 vạn quân Đại Kim, nhiều cánh quân từ các nơi cũng đổ về ứng cứu. Quân Đại Kim giao chiến suốt 6 tiếng đồng hồ vẫn không sao vào được trong thành.

Hoàng Thái Cực đích thân ra trận tiền để quan sát doanh trại của Viên Sùng Hoán, thấy thế trận bày ra rất chặt chẽ không tìm ra điểm yếu nào để tấn công, lại có nhiều cánh quân kéo đến ứng cứu kinh thành nhà Minh nên đành quyết định lui quân. Viên Sùng Hoán không đuổi theo mà cho quân ở lại ở bảo vệ kinh thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem