Tội ác kinh hoàng đằng sau ngành công nghiệp xiếc thú ở Trung Quốc

Thứ ba, ngày 23/08/2016 14:30 PM (GMT+7)
Trung Quốc là nơi mà người ta có thể bắt gặp các màn biểu diễn xiếc thú ở bất cứ đâu. Một số thành phố như Tô Châu thậm chí có tới hơn 300 rạp xiếc. Nhưng đằng sau mỗi màn trình diễn ấn tượng là những câu chuyện thương tâm về các con vật tội nghiệp bị ngược đãi một cách tàn bạo.
Bình luận 0

Đằng sau ánh đèn sân khấu, các con thú đáng thương “được dạy dỗ” bằng bạo lực và đe dọa. Xuyên suốt video quay lại quá trình huấn luyện – hay đúng hơn là “quá trình tra tấn” này, người ta thường xuyên thấy cảnh những con gấu tội nghiệp chảy nước mắt, kêu gào, gầm gừ hay rên rỉ trong đau đớn. Khi chúng chống cự, các huấn luyện viên sẽ siết mạnh dây xích ở cổ, túm lông, quát mắng hoặc thậm chí kéo lê những con vật này trên sàn để buộc chúng tiếp tục tập luyện.

img

Để có thể biểu diễn đi bằng hai chân, đàn gấu bị xích chặt vào tường hay sàn nhà trong một thời gian dài mà không được nhúc nhích. Nếu những con gấu không đứng vững và ngã xuống, sợi dây ở cổ sẽ xiết lại khiến chúng bị treo lên và ngạt thở.

Jin Yipeng, Phó giáo sư ngành thú y tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết hình thức này có thế dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn hoặc thậm chí gây ra hoại tử và tê liệt.

img

Chú gấu tên Đô Đô này là một thí dụ: Với dây thừng siết quanh cổ, Đô Đô buộc phải tập đi bằng hai chân trên những thanh sắt và sẽ bị đánh bằng gậy nếu làm sai hoặc ngừng lại.

img

Khi không phải diễn hay tập luyện, đàn gấu bị giam trong những cũi sắt chật chội tù túng. Chúng cào cắn các thanh sắt, và người ta có thể nghe thấy tiếng kêu rên tuyệt vọng sau những chấn song.

Và cuối cùng, để ngăn chúng gây ồn, người ta thậm chí cột mõm chúng vào các song sắt. Mõm chú gấu này bị xuyên thủng bởi một vòng kim loại và xâu dây để buộc vào cũi hoặc dắt đi. Kinh khủng hơn là những việc này thậm chí còn được thực hiện mà không hề dùng tới thuốc giảm đau.

img

Sư tử và hổ thường được huấn luyện để biểu diễn đứng thăng bằng trên trái bóng hay vừa đi vừa lăn bóng bằng hai chân. Để thuần hóa các “chúa sơn lâm”, người ta dùng những thanh sắt lớn thụi lên mình chúng, thậm chí đôi khi phang thẳng vào đầu.

Chúng cũng bị nhốt trong lồng sắt chật chội với chỉ một ít không gian vừa đủ để cựa quậy. Thậm chí đa số những chiếc lồng đều đặt ngoài trời. Trong số 10 cơ sở xiếc thú được tìm hiểu, chỉ duy nhất một trong số đó có không gian trong nhà để các lồng thú tránh mưa nắng.

img

Các điều tra viên cũng ghi lại cảnh những chú khỉ nhăn nhó vật lộn trong sợ hãi để thoát khỏi các sợi dây thừng. Một trong số đó bị buộc dây vào sừng một chú dê và phải trồng chuối trong lúc dê leo lên cầu thang. Trong khi con vật đang loay hay giữ thăng bằng, người ta nhiều lần dùng gậy thúc vào người chúng.

img

Cũng như các bạn mình, cô khỉ Tiểu Hầu này bị quấn một sợi dây thừng quanh cổ để kéo đi hoặc giật mạnh nếu không nghe lời. Đôi khi các vết đau quanh cổ làm Tiểu Hầu kháng cự lại và cố vùng vẫy để thoát khỏi kẻ huấn luyện mình.

img

Bên trong các cũi giam hoen rỉ, người ta thấy những chú khỉ nằm bẹp một chỗ hoặc buồn bã đi tới đi lui, một số có dấu hiệu suy nhược nặng. Những con vật nhỏ đáng thương này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ăn, uống, ngủ, đại tiện và tiểu tiện ở cùng một nơi.

Tất cả các loài vật khác như chó, lạc đà không bướu, lợn,… cũng bị giam trong trong môi trường xập xệ, đổ nát tương tự và bị ép tập luyện biểu diễn.

img

Không riêng gì Trung Quốc mà trên thực tế, bất kỳ rạp xiếc nào có tiết mục xiếc thú cũng khó tránh khỏi việc dùng đến các phương pháp huấn luyện tàn nhẫn cũng như điều kiện sống tệ hại cho các con vật.

img

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nói không với các chương trình xiếc thú để bảo vệ những con vật vô tội, để chúng không còn bị lạm dụng như hiện nay.

Ngọc Mai (Đại Kỷ Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem