Tôi năm nay 34 tuổi, là nhân viên kế toán của một công ty nội thất. Hiện tại, tôi đang sống cùng bố mẹ chồng trong một căn hộ chung cư. Bố mẹ chồng tôi đã gần 80 tuổi vì thế mọi việc chi tiêu, sắm sửa trong gia đình đều một tay tôi lo liệu.
Những năm trước tôi sắm Tết khá cầu kỳ với chi phí lên đến vài chục triệu. Thế nhưng kể từ khi em gái tôi đi du học, công ty của chồng tôi ít việc thì kinh tế gia đình tôi trở nên eo hẹp.
Tôi phải lên kế hoạch mua sắm tiết kiệm để dành dụm tiền lo cho gia đình. Tôi dự định sẽ không sắm sửa gì, ngay cả cái Tết cũng cắt giảm tối đa để tiết kiệm.
Vậy mà, cách đây 1 tháng, thấy mọi người bàn tán xôn xao chuyện chi tiêu Tết, tôi lại đứng ngồi không yên.
Sắm tết chỉ với 3,2 triệu đồng. Ảnh: I.T
Tôi lại tặc lưỡi và lên danh sách một loạt món ngon để đặt mua dần cho cái Tết sắp tới. Đến khi cộng tiền tôi mới sững người trong khi đó, tôi còn rất nhiều khoản tiền phải lo.
Em tôi ở trời Tây đang khó khăn vì tiền gia đình tôi gửi không đủ. Công ty của chồng tôi cũng đang làm ăn không có lãi. Vì thế, tôi buộc lòng phải chấn chỉnh lại thói quen chi tiêu của mình.
Tôi không lượn xe lòng vòng để xem xét bất cứ thứ gì, cũng không tò mò vào các trang bán hàng đặc sản trên mạng. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi tới tấp đặt hàng Tết nhưng tôi dửng dưng.
Chiều hôm qua, sau khi hoàn thành xong công việc ở cơ quan, tôi dạo một vòng và bắt đầu sắm Tết.
Về thực phẩm: Cơ quan tôi tặng mỗi người một hộp bánh, một thùng bia, một thùng nước ngọt, một chai rượu vang và nửa kg bò khô. Vì thế tôi chỉ đặt 2 chiếc bánh chưng giá 55 nghìn/chiếc; 1 kg giò lụa giá 130 nghìn, 2 con gà ta loại hơn 1kg, 1 ít măng miến, mộc nhĩ, nấm hương và 1 kg thịt bò. Tổng cộng, tôi chi hết 1 triệu cho tiền thực phẩm.
Về bánh kẹo, tôi đặt một lúc 6 hộp bánh loại 50 nghìn, 3 hộp chè, 3 hộp cà phê hết 600 nghìn. Số bánh kẹo này, tôi sẽ để chồng mang về quê chúc Tết. Ở quê, bánh kẹo loại đó đã là sang.
Ngoài ra, trong nhà tôi, quà của cơ quan, của anh em đến thăm hỏi cũng nhiều nên tôi sẽ lấy số bánh kẹo loại tốt đó để chúc Tết bố mẹ đẻ và biếu những nơi cần thiết khác.
Như vậy cả tiền thực phẩm và bánh kẹo Tết, tôi chỉ tốn 1,6 triệu đồng. Tôi chi 500 nghìn để chồng tôi đi mua cành đào hoặc cây quất ngày Tết và 200 nghìn cho việc mua hoa tươi.
Tôi cũng đổi thêm 500 nghìn loại tiền 10 nghìn để mừng tuổi các cháu nhỏ. Bốn tờ 100 nghìn để mừng tuổi bố mẹ hai bên.
Tất cả, tôi chi hết 3,2 triệu mà vẫn có cái Tết trọn vẹn. Những năm trước, tôi đã tốn quá nhiều tiền cho những món đồ không cần thiết. Bánh kẹo mua nhiều lại được nhiều người tặng nên ăn không hết.
Thực phẩm Tết tôi cũng mua thừa mứa để đề phòng khách tới thăm nhà. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, mọi người đến chúc Tết cũng chỉ uống cốc bia, chén rượu chứ chẳng ai đụng đũa vào đồ ăn. Thức ăn cứ chế biến xong lại đổ đi vì hỏng.
Nam nay, tôi chỉ mua sắm những thứ cơ bản, sau đó, nếu cần thức ăn tươi tôi sẽ chạy ra chợ. Chợ ngày Tết cũng không thiếu bất cứ thứ gì.
Vì vậy, tôi nghĩ, mọi người cũng đừng quá nặng nề chuyện sắm sửa Tết, đừng để cái Tết trở thành lãng phí.
Thu Nguyệt (Hà Nội) (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.