Tội danh ông Tất Thành Cang bị khởi tố có khung hình phạt thế nào?

Việt Sáng Thứ năm, ngày 17/12/2020 10:42 AM (GMT+7)
Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Theo luật sư, nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên đối với tội danh này, có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (SN 1971, quê tỉnh Long An, trú quận 6, TP.HCM) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, về hành vi "Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" - theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quyết định trên được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

ÔNG TẤT THÀNH CANG.jpg

Ông Tất Thành Cang đã bị khởi tố để điều tra hành vi Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc khởi tố hình sự ông Tất Thành Cang về một trong các tội danh về chức vụ để điều tra các hành vi cấu thành tội phạm "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trong quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM (nhiệm kỳ 2015- 2020). 

Theo Công an TP.HCM, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định như sau:

“1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, để làm rõ vi phạm của ông Tất Thành Cang, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông này được giao quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên.

"Hành vi cấu thành tội phạm khi cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy ông Cang được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng do động cơ cá nhân hoặc do động cơ vụ lợi mà vi phạm các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, hậu quả thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.

Trường hợp hành vi gây thất thoát lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù", vị luật sư nói.

Hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích xung quanh vụ việc khởi tố ông Tất Thành Cang.

Theo ông Cường, ngoài hành vi sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ rõ, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những nội dung đơn thư tố cáo, tố giác liên quan đến hành vi sai phạm khác, đặc biệt là các sai phạm liên quan đến các dự án trong khu đất Thủ Thiêm.

"Đây chỉ là khởi đầu của một vụ án hình sự, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm, mỗi hành vi vi phạm mà thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.

Có hành vi vi phạm không cấu thành một tội độc lập thì có thể xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với những hành vi phạm tội có chức vụ, thường sẽ có đồng phạm, có người chủ mưu, người giúp sức.

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để cùng xử lý trong vụ án này", ông Cường cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem