Tội danh ông Trần Bắc Hà vừa bị khởi tố có gì đặc biệt?

Đình Việt Thứ sáu, ngày 30/11/2018 06:15 AM (GMT+7)
Luật sư cho biết, tội danh ông Trần Bắc Hà vừa bị khởi tố là tội danh vừa có hiệu lực thi hành từ năm 2017.
Bình luận 0

Ngày 29.11.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).

img

Ông Trần Bắc Hà.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 46/C03-P13 về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV; cùng ngày đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với:

Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh ông Trần Bắc Hà và 3 đồng phạm khác vừa bị khởi tố là một điều luật mới, có hiệu lực thi hành từ năm 2017.

Tuy nhiên, thực tế tội danh này là một nhánh của tội “Cố ý làm trái” theo điều 165 BLHS 1999 sửa đổi 2003. Khi BLHS 1999 hết hiệu lực thi hành, BLHS 2015 được soạn thảo thì tội “Cố ý làm trái” được chia nhỏ, cụ thể hóa và thay thế bằng các điều luật mới.

Trong đó có tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

img

Trần Lục Lang được coi là cánh tay phải của ông Trần Bắc Hà tại BIDV. Ảnh: I.T

Theo luật sư Hòe, Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 206 BLHS 2015.

Khách thể của tội này là vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng.

Mặt khách quan của tội này được thực hiện bằng các hành vi như: Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Cấp tín dụng không có đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

Vi phạm quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp có tài sản bảo đảm…

Chủ thể tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là tội phạm có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, do đó người phạm tội chỉ có thể là người có có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức tín dụng.

Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, điều 206 quy định 4 khung hình phạt đó là: Người phạm tội theo khoản 1 bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội theo khoản 2 bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Người phạm tội theo khoản 3 thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Người phạm tội theo khoản 4 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, ngườ phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem